[ẢNH] Chuyên gia: Không quân Nga chưa thể thắng được NATO và biện pháp khắc phục

ANTD.VN - Khi cuộc Chiến tranh Lạnh phiên bản hai đang từng bước quay lại, dẫn tới nguy cơ nổ ra Chiến tranh thế giới thứ ba thì kịch bản đối đầu giữa Nga với liên minh quân sự NATO là điều rất được quan tâm.

Đại tá hải quân Konstantin Sivkov, Tiến sĩ Khoa học quân sự, Viện sĩ Viện Hàn lâm pháo binh và tên lửa Nga là một nhà phân tích bình luận các vấn đề quân sự có tiếng của nước này, ông là khách quen của nhiều tạp chí uy tín.

Mới đây trong một bài viết đăng tải trên tờ Military Industrial Courier, chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov đã phân tích đánh giá về triển vọng thắng lợi của Không quân Nga nếu xảy ra cuộc đối đầu với lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO.

Mở đầu bài viết, ông Sivkov cho rằng Không quân Nga đang có những bước phát triển nhanh chóng trong vài năm trở lại đây và cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của chiến tranh hiện đại.

Với thực lực của mình, Không quân Nga đủ sức đánh bại lực lượng không quân của liên quân NATO trong trường hợp nổ ra xung đột cục bộ trên lãnh thổ một quốc gia thứ ba.

Kịch bản được ông Sivkov đưa ra đó trong cuộc chiến này NATO sẽ huy động tới 2.500 máy bay, trong đó bao gồm 1.500 trực thăng và 600 UAV, ngoài ra họ còn có thể sử dụng tới 2.000 tên lửa hành trình.

Độ dài của chiến dịch quân sự mà Không quân NATO thực hiện có thể kéo dài trong khoảng từ 2 tuần cho tới 2 tháng với nhiều hoạt động tấn công đường không.

Trong đó mỗi đợt tấn công đường không của NATO sẽ diễn ra trong vòng 3 -5 ngày, bao gồm khoảng 9 cuộc oanh kích lớn, để đẩy lùi một đợt sóng như trên thì vai trò của mạng lưới radar cảnh giới là vô cùng quan trọng.

Đại ta Sivkov cho rằng hiện nay Không quân Nga có đủ số lượng tiêm kích hạng nặng, cường kích tấn công và cả trực thăng vũ trang để có thể đối đầu sòng phẳng với Mỹ và đồng minh.

Tuy nhiên điểm yếu của Không quân Nga lại nằm ở các phương tiện hỗ trợ, ví dụ như họ bị thiếu máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không đủ tin cậy, máy bay trinh sát điện tử cũng như máy bay vận tải.

Ngoài ra với đặc thù của lãnh thổ rộng lớn khiến Nga không còn chú trọng vào phát triển tiêm kích đa dụng hạng nhẹ, nếu trải qua chiến dịch quân sự dài thì tiêm kích nặng khó lòng đảm đương nổi.

Lý do là bởi tiêm kích hạng nhẹ có chi phí vận hành thấp, thời gian chuẩn bị và bảo dưỡng nhanh, ít hỏng hóc, phù hợp với cuộc chiến dài ngày hơn so với chỉ trông cậy vào tiêm kích hạng nặng.

Trong trường hợp chiến tranh nổ ra trên phạm vi toàn cầu, chuyên gia quân sự Konstatin Sivkov tin rằng Không quân Nga sẽ phải hứng chịu thất bại trước đối phương.

NATO có lợi thế rất lớn không chỉ ở số lượng máy bay chiến đấu, mà chủng loại cũng như chất lượng đều được đánh giá cao hơn sản phẩm cùng phân khúc của Nga.

Nhưng theo ông Sivkov, trong trường hợp khẩn cấp, khi đứng trước thất bại và chủ quyền quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng, Nga có thể dùng tới con bài cuối cùng là vũ khí hạt nhân.

Kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga sẽ giúp cho ưu thế về vũ khí thông thường của NATO bị xóa nhòa, cho dù cũng phải hứng chịu thiệt hại nặng nề thì chí ít Moskva cũng khiến đối phương lâm vào cảnh "cuộc chiến không có người thắng".