[ẢNH] Chuyên gia chỉ rõ điểm yếu chí tử của tàu chiến cỡ nhỏ Hải quân Nga

ANTD.VN - Chiến lược tập trung đóng tàu chiến cỡ nhỏ có lượng giãn nước dao động quanh mức 1.000 tấn được xem như hướng đi phù hợp nhất đối với Hải quân Nga vào thời điểm hiện tại.

Hải quân Nga đang tiến hành chế tạo hàng loạt tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ 800 tấn lớp Karakurt - Dự án 22800 cùng với Buyan-M - Dự án 21631, đi kèm với đó là một số khinh hạm tàng hình thế hệ mới thuộc Dự án 22160.

Hướng đi này của Hải quân Nga được xem là hợp lý và rất phù hợp với điều kiện hiện tại của họ.

Vào lúc này, tiềm lực kinh tế và năng lực ngành đóng tàu trong nước không cho phép đóng mới những khu trục hạm hàng ngàn tấn để vươn ra đại dương tranh tài cùng Mỹ và Trung Quốc, Moskva xác định trước mắt phải tập trung cho tác chiến ven bờ.

Tuy nhiên chiến hạm Nga dù lượng giãn nước nhỏ nhưng hầu như đều được tích hợp vũ khí tấn công tầm xa như tên lửa hành trình Kalibr.

Theo quảng cáo của Nga, tên lửa Kalibr có thể tung đòn đánh hủy diệt vào đối phương từ cự ly 600 km (đối hạm) hoặc 1.500 km (đối đất).

Tuy nhiên ngay khi các chương trình đóng tàu cỡ nhỏ của Nga được triển khai trên diện rộng thì đã xuất hiện nhiều ý kiến phản đối.

Họ cho rằng điều này sẽ khiến họ bị mất ưu thế trước hải quân NATO và không tương xứng với vị thế của một siêu cường quân sự.

Ngoài ra không đơn giản chỉ là chất lên con tàu nhỏ các loại vũ khí mạnh là xong, bởi vì để triển khai chúng thì nền tảng cũng phải tương xứng, đó là hệ thống radar đủ mạnh để dẫn bắn hay độ ổn định của tàu khi hoạt động.

Chuyên gia quân sự Nga - ông Valery Polovinkin - Giám đốc khoa học của Trung tâm nghiên cứu quốc gia Krylov mới đây đã công bố một thông tin gây sốc.

Đó là kết quả kiểm nghiệm thực tế cho thấy tàu chiến cỡ nhỏ của nước này không thể vận hành vũ khí trong điều kiện biển động từ cấp 4.

Sở dĩ có tình trạng trên là do dưới tác động của sóng gió, những con tàu có lượng giãn nước chỉ vài trăm tấn sẽ mất ổn định nghiêm trọng.

Hệ thống điện tử của tàu lúc này không đủ khả năng dẫn bắn cho tên lửa, thậm chí còn có nguy cơ gây tai nạn nếu cố gắng phóng đạn.

Không chỉ có tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ, lớp tàu tên lửa tàng hình Dự án 22160 mà chiếc đầu tiên mang tên Vasily Bikov cũng bị phàn nàn là một thất bại lớn, bất chấp những lời ca tụng trước kia.

Mặc dù được thiết kế để mang theo tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa phòng không Shtil-1, khiến nó trở thành chiến hạm mạnh nhất có lượng giãn nước dưới 2.000 tấn nhưng thực tế đã chỉ ra vô số bất cập.

Ngoài nhược điểm về khả năng vận hành vũ khí đã nêu trên, chiếc Vasily Bikov thực chất đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được tích hợp trang bị như thiết kế, do nền tảng của nó bị nhận xét là quá thiếu ổn định.

Với những kết quả thực tế đáng buồn trên, có lẽ Hải quân Nga sẽ phải nghiêm túc xác định lại chiến lược phát triển trong tương lai của mình.