[ẢNH] Chính Nga khiến S-300 Syria "câm nín" trước chiến đấu cơ Israel?

ANTD.VN - Liên tục trong những ngày qua, dù bị không quân Israel liên tục tấn công nhưng S-300 của Syria vẫn "im lìm lặng lẽ", một số ý kiến cho rằng chính Nga là nguyên nhân khiến cho hệ thống này không khai hỏa. Vậy đâu là lý do?

Sau khi máy bay trinh sát IL- 20 bị bắn rơi, Nga đã chuyển giao hệ thống đánh chặn S-300 cho quân đội Syria. Giới quan sát hy vọng có S-300 trong tay, phòng không Syria sẽ "làm nên chuyện" trước các cuộc không kích từ phía Israel.

Việc Nga chuyển giao S-300 như một động thái phản đối Israel sau khi đã cố tình cài bẫy chiếc IL-20 làm phòng không Syria bắn nhầm.

Đúng ra Nga đã chuyển giao hệ thống này cho Syria vào năm 2013 nếu như không bị Israel phản đối quyết liệt. 

Hệ thống phòng thủ của Syria tuy đông đảo, nhưng hầu hết chúng đều cũ kỹ và không có đủ khả năng để phòng thủ trong chiến tranh hiện đại.

Đứng trước một không quân hùng mạnh với các khí tài chiến đấu hiện đại như Israel, rất cần thiết phải có những hệ thống phòng không đủ mạnh như S-300 để khắc chế.

Dù Israel có trong biên chế tiêm kích tàng hình F-35I, số lượng cũng không đủ lớn để tiến hành các cuộc không kích ào ạt, vì thế họ vẫn phải sử dụng tới chiến đấu cơ F-15 và F-16.

Và những máy bay này có thể sẽ "gãy cánh" nếu đối đầu với S-300.

Trong cuộc chiến tại Syria, Nga đã không tiếc khi sẵn sàng cung cấp những loại khí tài hiện đại nhất của mình cho quốc gia Trung Đông này.

Nhưng lại có một thực tế đáng buồn rằng trình độ tác chiến yếu kém cùng với việc không tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của khí tài, điều này dẫn tới nhiều vũ khí hiện đại của Nga trang bị cho quân đội Syria bị phiến quân tiêu diệt.

Cụ thể các binh sỹ Syria mở cửa xe tăng T-90A khiến cho hệ thống phòng thủ chủ động bị vô hiệu hóa, tạo sự thuận lợi cho tên lửa phiến quân tiêu diệt chiếc xe tăng này.

Hay như tổ hợp Pantsir-S1, các binh sỹ Syria thậm chí còn không cắt cử người trực chiến trong tình hình nóng, ngay sau đó UAV của Israel đã phát hiện ra và dễ dàng tiêu diệt loại vũ khí này.

Chính vì thế không ít ý kiến cho rằng, rất có thể hệ thống S-300 của Syria "im ắng lạ thường" trong suốt thời gian vừa qua là có sự tác động từ phía Nga.

Dù chuyển giao đã được vài tháng, các chuyên gia huấn luyện tên lửa của Nga đã về nước, điều này cho thấy có thể họ đã dạy xong cách quân đội Syria sử dụng S-300.

Nhưng Nga cũng rất lo ngại rằng, nếu để binh sĩ Syria cho S-300 thực chiến có thể sẽ là thảm họa chôn vùi danh tiếng của hệ thống này.

Không những chỉ S-300 bị ảnh hưởng mà các hệ thống khác như S-400 cũng bị tổn hại nghiêm trọng danh tiếng.

Đây sẽ là cú giáng mạnh vào tiềm lực xuất khẩu vũ khí của Nga. Nước chỉ đứng thứ hai thế giới sau Mỹ về bán vũ khí, đặc biệt là các hệ thống đánh chặn tầm xa đắt đỏ.

Với một không quân Israel dày dạn kinh nghiệm cũng như thông minh trong các chiến thuật phản đòn như Israel, một khi các binh sĩ Syria vận hành S-300 sai lầm nhỏ, họ sẽ phải trả giá lớn.

Trước đó Israel cũng đã phá hủy tan tành tổ hợp S-200 khi chúng 'bắn hụt" vào chiến đấu cơ F-16 của nước này.

Nếu S-300 bị bắn hụt, khả năng cao chúng sẽ bị các chiến đấu cơ Israel phá hủy ngay lập tức.

Không ít nhà quan sát nhận định, để vận hành thành thạo S-300 được, quân đội Syria cần phải hàng năm chứ không phải vài tháng. 

Vì thế Syria không dám mạo hiểm cho S-300 tham chiến cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra có thể Nga sẽ tác động vào khiến cho S-300 Syria không tham chiến.

Trước tình hình Israel ngày càng tăng cường các cuộc không kích, không biết liệu Syria và Nga sẽ tính toán thể này để hạn chế các cuộc tấn công này.

Dù Nga có mối quan hệ mật thiết với cả Syria và Israel, nhưng nếu để Israel tiêu hao sinh lực của quân đội Tổng thống Assad, đây cũng là bất lợi cho Nga.

Chiến trường Syria đang trở thành mối đau đầu cho Nga, ngoài việc có khả năng bị sa lầy, họ còn đang đau đầu để cân bằng lợi ích chiến lược với tất cả các bên trong khu vực này.