[Ảnh] Cảnh tha hương của người Syria khi lánh nạn trong các khu di tích cổ

ANTD.VN - Một số gia đình người tị nạn Syria đã chọn cách dựng lều sống tạm giữa các tàn tích của văn hóa La Mã và Byzantine ở khu vực Baqirha, không xa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bị buộc phải tha hương vì cuộc xung đột kéo dài suốt 9 năm qua.

Abdelaziz al-Hassan cho biết, ông không muốn sống trong một khu trại quá đông đúc sau khi nhiều lần thay đổi chỗ ở, trốn chạy chiến tranh ở Tây Bắc Syria. Vì vậy gia đình ông đã dựng một chiếc lều trong tàn tích của ngôi đền La Mã có từ năm 161 sau Công nguyên.

Ông Hassan, vợ và ba con nằm trong số gần 1 triệu người Syria đã rời bỏ nhà cửa vào mùa đông năm ngoái

Hassan và gia đình đã dựng một căn lều giữa 3 bức tường còn sót lại của một ngôi đền thờ thần Zeus có từ thế kỷ thứ hai của Hy Lạp. Khu vực Baqirha này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Maamoun Abdel Karim, người đứng đầu cơ quan quản lý cổ vật của Syria, cho biết Baqirha rất đặc biệt với các tòa nhà được bảo tồn tốt, bao gồm cả 2 nhà thờ từ thế kỷ thứ 6.

Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nằm cách khu di tích ở Baqirha chỉ 2,5 km. Vì thế, các gia đình chọn dựng lều tạm sống ở đây vì họ có thể chạy trốn qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trong tình huống cấp bách.

Ông Hassan thừa nhận có một số bất tiện khi sống ở đây, bao gồm cả việc phải đi bộ dài để đưa các con đến trường làng.

Ngoài điều kiện vệ sinh không đảm bảo thì đôi khi người dân còn phải tiếp xúc với rắn độc và côn trùng.

“Hai ngày trước, gần cửa lều, tôi đã giết một con rắn lục. Gần như cách 1 ngày chúng tôi lại gặp bọ cạp, nhưng chúng tôi chưa tìm thấy nơi nào tốt hơn ở đây”, một người dân nói

Họ cho rằng địa điểm này là một lựa chọn tốt hơn nhiều so với việc sống trong một trong nhiều trại di cư không chính thức mọc lên dọc biên giới, đặc biệt là giữa đại dịch Covid-19

Syria có rất nhiều địa điểm khảo cổ, riêng vùng Tây Bắc Syria là nơi có 40 ngôi làng được UNESCO công nhận. Nhưng vô số làng mạc, ngôi nhà đã bị hư hại, bắn phá hoặc bị cướp bóc trong suốt cuộc xung đột kéo dài 9 năm qua khiến hơn 380.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời.

Anh rể của Hassan, Saleh Jaour, và hàng chục người con của ông cũng đã biến di tích cổ ở Baqirha thành nơi ở mới của họ, sau khi trận pháo kích vào mùa đông năm ngoái giết chết vợ và một con trai của ông.

Các quan chức địa phương đã yêu cầu các gia đình sống trên địa điểm khảo cổ ở Baqirha rời đi, nhưng họ đã từ chối cho đến khi được cung cấp nơi trú ẩn khác.

“Chúng tôi đã quen với nơi này rồi, giờ còn có thể đi đâu nữa?”, ông Jaour nói mặc dù biết rằng gia đình họ sẽ phải đối mặt với mùa mưa và mùa đông khắc nghiệt phía trước

Tổng thống Syria Sashar al-Assad đầu tuần này phát biểu tại một hội nghị do Nga triệu tập rằng gần 5,6 triệu người tị nạn đã rời Syria kể từ năm 2011 vẫn ở nước ngoài do các lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc chịu áp lực từ quốc gia tiếp nhận họ.

Nhưng các quốc gia châu Âu cho rằng, người tị nạn khi trở về sẽ không an toàn nếu bạo lực còn tiếp diễn