[Ảnh] Cảnh sát London bị sát hại ngay trong trại giam

ANTD.VN -  Một trung sĩ của Cảnh sát Thủ đô nước Anh đã bị nghi phạm bắn ngay tại trụ sở Trung tâm giam giữ Croydon ở Nam London. Đối tượng 23 tuổi, đang bị giam giữ tại đây, sau đó đã quay súng tự tử nhưng không chết. Đây là vụ đầu tiên kể từ tháng 9-2012 một cảnh sát Vương quốc Anh bị sát hại khi đang thi hành công vụ.

Tình huống xảy ra vào lúc 2h15 sáng 25-9 (giờ London), được cho là vào thời điểm chuẩn bị đo thân nhiệt cho nghi phạm, chuẩn bị cho đợt phòng dịch Covid-19 mới.

Sau khi bị bắn, viên cảnh sát - tuổi gần nghỉ hưu, đã được đưa tới bệnh viện nhưng sau đó ông đã không qua khỏi.

Nghi phạm là kẻ đang bị giữ tại Trung tâm giam giữ Croydon ở Nam London vì cáo buộc tàng trữ đạn dược. Đối tượng đã bị bắt tại hiện trường nhưng do bị thương nặng, hắn được đưa vào viện và đang trong tình trạng nguy kịch.

Vụ việc không được cho là có liên quan đến khủng bố mặc dù chỉ huy chống khủng bố của Cảnh sát London đang theo dõi các diễn biến mới.

Sự cố đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 9-2012 một cảnh sát Vương quốc Anh bị sát hại khi đang thi hành công vụ

Thủ tướng Boris Johnson phát biểu: “Xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của viên cảnh sát đã thiệt mạng ở Croydon đêm qua”.

“Chúng tôi mắc một món nợ khổng lồ đối với những người đã mạo hiểm tính mạng của mình để mọi người được an toàn”, Thủ tướng Anh nói.

“Đây là vụ việc thực sự gây sốc khi một trong những đồng nghiệp của chúng tôi đã mất mạng trong hoàn cảnh bi thảm nhất”, quan chức cảnh sát Cressida Dick cho biết.

Làm sao nghi phạm lại có súng để có thể quay ra giết cảnh sát ở trại giam, đó là câu hỏi lớn nhất mà các nhà điều tra về vụ việc đang tìm câu trả lời

Ông Leroy Logan, cựu Giám đốc Cảnh sát London phân tích, sơ hở có thể xảy ra trong quá trình khám xét khi đối tượng bị bắt bên ngoài và đưa về đồn.

Cảnh sát London có quy trình tiêu chuẩn là khám xét nghi phạm để đảm bảo rằng họ không giữ bất cứ thứ gì, nhất là vũ khí có thể gây hại cho người khác hoặc chính họ.

Cựu cảnh sát London nói với đài phát thanh LBC: “Thời điểm bắt giữ, đối tượng sẽ bị khám xét toàn thân. Tới đồn cảnh sát, nhân viên tạm giữ có thể khám xét kỹ lưỡng hơn và có thể tìm thấy vũ khí khác trên người.

“Các cảnh sát tự đặt mình vào mối nguy hiểm mỗi ngày để bảo vệ dân chúng. Đáng buồn thay, trong một số trường hợp hiếm hoi, họ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Sự dũng cảm và hy sinh của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên”, ông Ken Marsh, Chủ tịch Liên đoàn Cảnh sát Thủ đô, cho biết