[ẢNH] Cận cảnh những ngôi chùa lớn, đón nhiều khách ghé thăm tại Hà Nội

ANTD.VN - Cứ mỗi dịp đầu tháng âm lịch, người dân thủ đô lại có phong tục lên chùa lễ bái. Cùng điểm mặt một vài ngôi chùa lớn, linh thiêng và lâu đời tại Hà Nội.

Nhắc đến những ngôi chùa lớn tại Hà Nội không thể bỏ qua chùa Trấn Quốc (Tây Hồ, Hà Nội) (Ảnh:Dân Trí)

Theo bảng xếp hạng mới đây trên trang Wanderlust, website nổi tiếng về du lịch của Anh, chùa Trấn Quốc đứng vị trí thứ 3 trong số 10 ngôi chùa có cảnh đẹp "đến mức khó tin" trên thế giới (Theo: Zing)

Theo sử sách ghi lại, chùa Trấn Quốc (Tây Hồ, Hà Nội) nguyên là chùa Khai Quốc, được dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541-547), tại thôn Y Hoa, gần bờ sông Hồng. Đến thời Lê Trung Hưng (1615), chùa được dời vào trong đê Yên Phụ, dựng trên nền cũ cung Thuý Hoa (thời nhà Lý) và điện Hàn Nguyên (thời nhà Trần)

Với lịch sử gần 1.500 năm của mình, chùa Trấn Quốc được coi là ngôi chùa lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội và từng là Trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời nhà Lý và nhà Trần

Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hoà giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã. Ngôi chùa đẹp thơ mộng, từng được ví như đài sen nổi trên mặt nước hồ Tây mênh mông, tĩnh lặng

Công trình kiến trúc mang tính điểm nhấn của chùa là Bảo tháp Lục độ đài sen được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15 m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A di đà bằng đá quý

Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng. Đây cũng là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử, khách tham quan, du lịch trong và ngoài Việt Nam

Nội điện và nơi thờ cúng tại chùa Trấn Quốc đặt nhiều pho tượng sinh động, đẹp mắt. (Theo: Zing)

Cây bồ đề được chiết từ cây Đại bồ đề Đạo Tràng - nơi đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ. "Cây bồ đề mọc ra từ một nhánh lấy từ chính cây gốc ở Boh Gaya bên Ấn Độ, nơi Đức Phật đã ngồi tu và đạt Giác ngộ" (Theo: Dân Trí)

Bên cạnh chùa Trấn Quốc còn có chùa Liên Phái, ngôi chùa linh thiêng mang sắc màu quý tộc giữa lòng thủ đô Hà Nội

Chùa Liên Phái có một ngôi tháp nổi danh là tháp Cửu Sinh - ngôi tháp đá cổ và có lai lịch rõ ràng nhất của Hà Nội. Tháp được xây dựng vào khoảng năm 1733, là năm mất của Lân Giác thượng sĩ và phần tro cốt thi hài của ông được đặt ở đây. Sở dĩ tháp có tên Cứu Sinh vì Cứu Sinh là một biệt hiệu khác của Lân Giác thượng sĩ (Theo: ANTĐ)

Gọi chùa Liên Phái mang một màu sắc quý tộc bởi nền đất xây chùa vốn là phủ đệ của phò mã Trịnh Thập. Trịnh Thập (1696-1773) lấy con gái thứ tư  của Vua Lê Hy Tông và bản thân ông là cháu ruột Chúa Trịnh Cương

Nguyên nhân Trịnh Thập từ một phò mã Vua Lê, cháu Chúa Trịnh lại trở thành một người tu hành là thế này. Một lần Trịnh Thập cho gia nhân đào đất phía sau gò cao sau phủ đệ của mình để xây bể cảnh thì phát hiện ra một cái ngó sen

Ông cho rằng mình có duyên với Phật và quyết định xuống tóc đi tu, biến phủ đệ của mình thành chùa và trở thành tổ sư thứ nhất của dòng thiền Liên Tông do chính ông sáng lập

Chùa Liên Phái theo thời gian đã lọt thỏm vào giữa khu dân cư, nhà cửa bao quanh sát sạt giống như hầu hết các ngôi chùa ở nội đô. Tuy nhiên, với nhiều người dân Hà Nội, đây vẫn là một trong những ngôi chùa linh thiêng và cổ kính nhất

Nhắc đến đền, chùa ở Hà Nội, không thể bỏ qua đền Ngọc Sơn rêu phong, cổ kính

Đền Ngọc Sơn là một ngôi đền thờ nằm trên đảo Ngọc của hồ Hoàn Kiếm. Đây cũng là một di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam

Ngôi đền có lịch sử khá lâu đời và đặc biệt. Xưa kia, đây vốn là ngôi đền thờ Quan đế để trấn áp cái ác, sau được đổi thành chùa thờ Phật, cuối cùng lại được tu sửa thành ngôi đền như ngày nay

Kiến trúc của đền Ngọc Sơn thể hiện khá rõ nét sự hòa hợp về tôn giáo qua nghìn năm văn hiến. Đó là một điển hình về không gian và kiến trúc tuyệt tác

Bên ngoài đền Ngọc Sơn là Tháp Bút. Tháp Bút có hình bút lông, trên thân tháp tạc 3 chứ “Tả Thanh Thiên” nghĩa là “viết lên trời xanh”. Còn Đài Nghiên được đặt trên cửa cuốn tạc đá hình 3 con ếch há miệng khắc nguyên tảng đội nửa quả đào như đang cùng kề, cùng nói điều hân hoan sau những ngày ngậm miệng

Dấu vết thời gian của nghìn năm lịch sử như in đậm trên từng bờ tường, mái ngói, trên cầu Thê Húc cong cong bắc ngang từ bờ đến cổng đền Ngọc Sơn khiến danh thắng này vừa cổ kính lại vừa lộng lẫy, vừa lạ lẫm nhưng cũng rất thân thuộc trong dáng hình Hà Nội từ những năm xưa cũ

Cuối cùng phải nhắc đến phủ Tây Hồ, phủ Tây Hồ tọa lạc trên doi đất hình Kim Quy, với long chầu – hổ phục hai bên trái – phải. Đất này thuộc ấp Tây Hồ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, nay thuộc địa phận phường Quảng An, quận Tây Hồ (Theo: VOV)

Nếu Hồ Tây là đất thiêng của Thăng Long thì ấp Tây Hồ là địa linh bậc nhất của Hồ Tây

Tam quan phủ Tây Hồ không lớn nhưng được xây dựng khá công phu, mang đậm phong cách dân gian của người Việt Nam. Các bức long phượng trình tường, tả thanh long hữu bạch hổ, hay tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) đều được đắp nổi rất tinh tế

Phía sau hiên tam quan là tiền đường. Tiền đường có kiến trúc theo kiểu phúc ốc trùng thiềm, tám mái cao vút lên như một vọng lâu. Đây là lối kiến trúc lâu quán của Đạo giáo, cư cao lâm hạ quan sát tứ phương

Nơi tôn nghiêm nhất của phủ Tây Hồ là mật cung – cung cấm. Mật cung xây hai gian thờ dọc, kiến trúc theo kiểu phúc ốc trùng thềm, thấp hơn so với trung đường và bái đường, tạo cảm giác ấm cúng thần bí, theo quy luật âm dương của kiến trúc tiền tôn hậu ty, tiền động hậu tĩnh, tiền náo nhiệt hậu tĩnh túc

Với tư tưởng Tiên – Phật bất phân nên trên vị trí cao nhất của động Sơn Trang thờ Quan Thế  Âm Bồ Tát. Phía dưới là ban thờ Mẫu Địa – Mẫu Đệ Nhị - Mẫu Thượng Ngàn. Hai bên tả, hữu thờ nhị vị Vương Bà hóa thân của Mẫu Địa. Ngoài ra còn thờ thập nhị vương cô, tổng cộng là 15 vị