[ẢNH] Cận cảnh dàn máy bay đắt đỏ bị Mỹ phá bỏ tại sân bay Kabul

ANTD.VN - Những hình ảnh mới nhất về số phận 73 chiếc máy bay các loại trị giá hàng trăm triệu USD, đã bị Mỹ vô hiệu hóa sau khi quyết định bỏ chúng lại sân bay quốc tế Hamid Karzai, tại thủ đô Kabul.
Những người lính Mỹ cuối cùng đã lên máy bay vận tải C-17 rời khỏi sân bay quốc tế Hamid Karzai, tại thủ đô Kabul vào lúc 15h29 ngày 30/8 (tức 2h29 ngày 31/8 giờ Việt Nam), kết thúc sự hiện diện của Mỹ tại quốc gia Trung Á này.
Ngay sau khi họ rời đi, các tay súng Taliban đã tiến vào tiếp quản sân bay này.
Các tay súng Taliban sục sạo các nơi để tiếp quản những máy bay Mỹ để lại, tuy nhiên đáng tiếc là tất cả chúng đều đã bị Mỹ vô hiệu hóa trước khi rút đi.
"73 máy bay các loại tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul bị quân đội Mỹ vô hiệu hóa trước khi rút hoàn toàn khỏi Afghanistan ngày 30/8", Đại tướng Kenneth McKenzie, tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm quân đội Mỹ, cho biết.
"Những chiếc máy bay đó sẽ không bao giờ cất cánh được nữa. Không một ai có thể vận hành được chúng", ông nói.
Hình chiếc trực thăng Mi-17 bị Mỹ phá hỏng trước khi rút đi. Trong quá khứ, không quân Afghanistan từng sở hữu tới 95 chiếc trực thăng này, tuy vậy Taliban chỉ thu được khoảng chục chiếc còn khả năng hoạt động.
Không quân Afghanistan có tổng cộng 42 chiếc trực thăng UH-60A trước khi sụp đổ.
Mỹ dự định cung cấp tổng cộng 160 chiếc trực thăng này cho không quân Afghanistan. tuy nhiên sự việc chưa thành thì Taliban thắng thế.
Không để cho những chiếc trực thăng tối tân này giúp ích cho Taliban, Mỹ đã phá bỏ chúng. Có thể nhất thấy dấu vết rõ ràng của việc "vô hiệu hóa".
Tất cả màn hình đồng hồ trên bảng điều khiển đều bị phá nát, với sự phá bỏ này, việc khôi phục hoạt động của những chiếc trực thăng này gần như bất khả thi.
Ước tính có hàng chục chiếc UH-60A được lính Mỹ tìm cách phá hỏng và bỏ lại rải rác trong khu vực trong nhà chứa và bãi đõ tại sân bay quốc tế tại Kabul.

Loại máy bay tiếp theo bị phá bỏ chính là cường kích nổi tiếng A-29 Super Tucano. Với đơn giá 18 triệu USD/chiếc, Mỹ đã trang bị cho Aghanistan 26 chiếc này.

Sau ngày 15/8, một số chiếc bay sang Uzebekistan, có thông tin lực lượng kháng chiến cũng sở hữu một vài chiếc loại này. Tại sân bay quốc tế Kabul, ít nhất khoảng 6 chiếc A-29 bị Mỹ phá bỏ.

Tuy vậy Taliban cũng thu giữ được vài chiếc A-29 còn khả năng hoạt động, nhưng hiện họ chưa tìm ra phi công vận hành chúng.

Tổng cộng đã có tới 68 chiếc trực thăng tấn công hạng nhẹ MD 530F được Mỹ cung cấp cho quân đội Afghanistan

Tuy nhiên số lượng của chúng hao hụt trong cuộc chiến với Taliban. Sau khi lực lượng Hồi giáo cực đoan này chiếm thủ đô Kabul hôm 15/8, rất nhiều chiếc MD 530F chạy sang Uzebekistan.

Một vài chiếc bay về thung lũng Panjshir, số còn lại bị Mỹ vô hiệu hóa ngay tại sân bay Kabul, chỉ có một số lượng rất nhỏ lọt vào tay Taliban còn có thể hoạt động được.

Loại máy bay tiếp theo bị Mỹ phá bỏ tại sân bay quốc tế Kabul đó chính là Cassna 208 và biến thể cường kích được phát triển từ dòng máy bay này mang tên AC-208 trị giá 14,7 triệu USD/chiếc.

Không quân Afghanistan từng được Mỹ trang bị 24 chiếc Cassna 208 và 10 chiếc AC-208.

Ước tính có hàng chục chiếc máy bay thuộc hai loại này bị Mỹ vô hiệu hóa trước khi rút đi. Một số chiếc bị phá hỏng động cơ, và hệ thống điều khiển.

Một số chiếc còn mới thì bị tháo mất động cơ khiến cho chúng không còn khả năng hoạt động.

Loại máy bay cuối cùng bị Mỹ vô hiệu hóa đó chính là vận tải cơ C-130H.
Trong biên chế không quân Afghanistan có tới 4 chiếc vận tải cơ loại này. Mỗi chiếc máy bay này trị giá khoảng 40 triệu USD.
Ban đầu có nhiều đồn đoán về số phận của C-130H khi không thấy xuất hiện bên cạnh các tay súng Taliban sau ngày 15/8, một số ý kiến cho rằng có thể chúng đã tháo chạy sang nước ngoài do tầm bay xa.
Một số khác thì cho rằng Mỹ đã huy động chúng cho các chiến dịch di tản khổng lồ tại Kabul.
Nhưng thực tế, C-130H vẫn nằm lại sân bay Kabul. Hình ảnh chiếc máy bay vận tải khổng lồ bị nghiêng về một bên sau quá trình bị Mỹ vô hiệu hóa.
Ngoài máy bay thì rất nhiều vũ khí cá nhân và thiết bị thông tin liên lạc cũng bị vô hiệu hóa để tránh rơi vào tay Taliban.
Tuy nhiên các máy bay dân sự phục vụ trong lĩnh vực thương mại vẫn được Mỹ để lại khi Taliban tiếp quản sân bay này.