[ẢNH] Bóng tối kinh hoàng do IS bao phủ đã chính thức bị đánh tan tại Syria

ANTD.VN - Chiến thắng của liên quân Nga-Syria tại tử thành Al-Bukamal đã chính thức khép lại khoảng tối kinh hoàng mà tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây ra cho người dân Syria.

Những cuộc không kích dữ dội, những màn tấn công bằng tên lửa hành trình Kalibr, những trận pháo kích bất kể ngày đêm của liên quân Nga-Syria đã chính thức đánh bại khủng bố IS tại căn cứ cuối cùng của chúng tại Al-Bukamal.

Tung vào trận chiến tại Syria, Nga gần như đã triển khai tất cả những vũ khí mạnh nhất của mình. Chính điều này đã làm cho khủng bố IS nhanh chóng sụp đổ.

Trong quá khứ, IS không chỉ là cái tên làm người dân Syria khiếp sợ mà nó còn gây nên nỗi ám ảnh ghê sợ của thế giới về một tổ chức khủng bố tàn ác khét tiếng.

Mỗi vùng đất bước chân khủng bố IS đi qua, chúng đều khiến nơi đó thành bình địa, hoặc theo chúng, hoặc bị tiêu diệt.

Nạn nhân nhiều nhất luôn là những thường dân không chịu cải đạo theo chúng.

Trong thời kỳ cực thịnh của IS, chúng từng chiếm tới 70% diện tích Iraq và 50% diện tích Syria.

Chiến thuật tấn công liều lĩnh, sự tàn ác đã khiến phiến binh IS liên tục giành chiến thắng trước quân đội Iraq và Syria.

Không thiếu những trận chiến mặc dù quân đội Iraq và Syria được trang bị tốt hơn hẳn khủng bố IS, nhưng họ vẫn bỏ chạy ngay khi vừa nghe tin IS sắp tấn công.

Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant hay còn biết đến cái tên nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria là một nhóm chiến binh Jihad, gồm các tay súng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni cầm đầu đánh chiếm các vùng đất của Iraq và Syria. Trong hình là thủ lĩnh Abu Bakr Al-Baghdadi.

Trong tình trạng tự xưng và không được công nhận là một nhà nước độc lập, tổ chức này tuyên bố lãnh thổ của chúng bao gồm Iraq và Syria.

 Không những vậy tổ chức khủng bố này còn còn dự định tuyên bố lãnh thổ trong tương lai sẽ bao trùm cả khu vực Levant – tức cả Liban, Israel, Jordan, Syria, Síp và nam Thổ Nhĩ Kỳ.

IS chính thức tuyên bố thành lập nhà nước vào ngày 29 tháng 6 năm 2014 sau khi chiếm được phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria.

Tiền thân của IS là một tổ chức chiến binh hồi giáo dòng Suni chống phương Tây được thành lập vào những năm đầu của cuộc chiến tranh Iraq (2003) và cam kết trung thành với al-Qaeda vào năm 2004. 

Nhóm này được hỗ trợ bởi một loạt các nhóm nổi dậy ngay trong và cả sau khi cuộc chiến tranh Iraq kết thúc.

Từ khoảng giữa năm 2013 sau khi lớn mạnh, IS và Al-Qaeda đã có những tranh chấp với nhau.

Vào tháng 2 năm 2014, sau 8 tháng tranh giành quyền lực, IS đã cắt đứt mọi liên hệ với Al-Qaeda.

Ayman al-Zawahiri (trái), người kế nhiệm nắm giữ chiếc ghế thủ lĩnh mạng lưới khủng bố al-Qaeda sau khi Osama bin Laden bị quân đội Mỹ tiêu diệt, đã công khai chỉ trích người đứng đầu Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS Abu Bakr al-Baghdadi (phải) là "kẻ nổi loạn" đồng thời tuyên chiến chống lại IS.

Giao tranh dữ dội giữa hai tổ chức khủng bố này liên tục diễn ra tại bắc thành phố Hama, Syria. Cuộc xung đột đã khiến cả hai bên thiệt hại nặng nề.

Với cả al-Qaeda và IS, sát hại dân thường là một chiến thuật và chiến lược, nhưng chúng lại bất đồng về mức độ đẫm máu.

Trong các cuộc đối đầu với lực lượng Mỹ tại Iraq, kẻ cầm đầu al-Qaeda khi đó, Abu Musab al-Zarqawi (ảnh), đã chỉ đạo một chiến dịch đánh bom tự sát đẫm máu, với mục tiêu là quân đội Mỹ và cả dân thường Iraq, bao gồm người Hồi giáo, nhất là người Shiite.

Nhóm này xem người Shiite là những đối thủ cạnh tranh quyền lực tại Iraq, đồng thời cũng là những kẻ bội đạo đáng phải chết, theo một tư tưởng cực đoan được gọi là Takfir. 

Tuy nhiên thủ lĩnh tối cao của Al-Qaeda, Ayman al-Zawahri (ngồi bên trái cạnh Osama bin Laden), đã can thiệp và lên tiếng kêu gọi các chi nhánh tránh giết người hàng loạt, với khẳng định việc này làm hoen ố phong trào và gây trở ngại cho hoạt động chiêu mộ thành viên.

Sự khác biệt giữa hai nhóm không chỉ nằm ở mục tiêu cuối cùng mà nằm phần nhiều ở cách thức đạt được nó và theo trình tự nào.

Al-Qaeda về cơ bản muốn hòa mình vào các phong trào địa phương, và giúp những kẻ đó tấn công những "kẻ thù phương xa" tại phương Tây. IS thì muốn lập ra và lãnh đạo một "nhà nước Hồi giáo", và giành lấy quyền lực từ tuyên bố về sự chính thống đó.

IS không từ một thủ đoạn độc ác nào nhằm đạt mục đích, những cuộc tấn công tự sát bằng xe bom hoặc đai chất nổ của chúng trở thành nỗi ám ảnh của người dân Syria.

Con số thương vong do những cuộc tấn công, bình định và đàn áp của IS liên tục tăng lên.

Khi quốc tế có hành động can thiệp với sự dẫn đầu của hai nước chính là Mỹ và Nga, lúc này cục diện chiến trường Iraq và Syria dần thay đổi.

Thay vì ngang tàng và tự mãn khi đối đầu với quân đội Iraq và Syria như trước, lúc này IS lại lấy dân chúng làm lá chắn sống để tránh sự không kích từ quốc tế.

Nguồn lực tài chính từ buôn bán dầu từ các mỏ dầu, bắt cóc con tin đòi tiền chuộc và dòng tiền từ một số cá nhân và tổ chức hồi giáo Ả Rập bị giảm sút nhanh chóng.

Ngoài việc trực tiếp không kích, cả Nga và Mỹ đều cung cấp vũ khí cho các đồng minh của mình nhằm tiêu diệt khủng bố IS.

Nga giúp quân đội Syria hồi phục sức mạnh bằng việc huấn luyện và cung cấp những khí tài mới nhất bao gồm cả xe tăng T-90 để đánh IS.

Còn Mỹ xây dựng các lực lượng quân sự đối lập như quân đội Syria tự do (FSA) và lực lượng dân chủ Syria (SDF) vừa đối trọng với chính phủ Syria vừa tiêu diệt khủng bố IS.

Khác Mỹ, Nga không khoan nhượng ngay cả việc đàm phán với IS, họ thậm chí còn dùng tới bom nhiệt áp nhằm buộc chúng phải chọn lựa đầu hàng hoặc bị tiêu diệt.

Các kho vũ khí khổng lồ của IS lần lượt bị quân đội Syria đánh chiếm khiến chúng thiếu thốn vũ khí chiến đấu. Mất vũ khí mất luôn cả nhuệ khí chiến đấu, tinh thần IS bị hoảng loạn nghiêm trọng.

Tại đại bản doanh cuối cùng của chúng tại Al-Bukamal, Syria, một phần phiến binh IS đã bị tiêu diệt, số khác vứt khí giới chạy trốn, số còn lại đầu hàng và bị bắt giữ.

Tuy tàn binh IS vẫn còn rải rác tại một số nơi trong tỉnh Deir-Ezzor, nhưng về cơ bản tổ chức này đã bị đánh bại. IS sụp đổ chấm dứt những ngày tháng đen tối và chết chóc mà chúng gây ra cho dân tộc Syria nói riêng và một số vùng đất khác nói chung.