[ẢNH] Biết rõ cuộc tấn công của Israel vào Syria nhưng tại sao S-400 và Pantsir-S1 Nga lại im lặng?

ANTD.VN - Ngay sau khi sân bay T-4 của Syria bị dội tên lửa hành trình không đối đất, Nga đã cho biết Israel đã sử dụng 2 tiêm kích hạng nặng F-15I mang theo 8 tên lửa hành trình đã thực hiện cuộc tấn công này.

Trong khi mọi quan tâm đang đổ dồn về cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học xảy ra vào hôm 8-4 tại thị trấn Douma, Đông Ghouta, bất ngờ một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào sân bay T-4 của quân đội Syria gây chấn động khi làm thiệt mạng cả quân nhân Syria lẫn Iran.

Mọi sự đổ dồn về phía Mỹ và nghi ngờ nước này đã tập kích bằng tên lửa hành trình Tomahawk để trả đũa vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà nước này một mực cáo buộc cho phía Syria.

Mỹ còn đang lên tiếng phủ nhận thì ngay lập tức Nga đã thông báo chính Israel là tác giả của vụ tấn công trên.

Theo đó, Bộ quốc phòng Nga cho biết, 2 chiếc tiêm kích hạng nặng F-15I xuất hiện từ phía không phận Li Băng mang theo 8 tên lửa để thực hiện vụ tấn công này.

Phía Nga cũng cho biết thêm rằng, phòng không Syria đã đánh chặn được 5 quả tên lửa hành trình phóng ra từ máy bay.

Chỉ có 3 quả vượt qua được hàng phòng thủ và đánh trúng vào phía Tây của sân bay này.

Giới quan sát cũng nghi ngờ chính tên lửa hành trình không đối đất Delilah của Israel đã được dùng trong vụ tấn công. 

Hình ảnh tên lửa hành trình không đối đất Delilah của Israel.

Đây là một trong số những loại tên lửa hành trình không đối đất nguy hiểm nhất thế giới.

Cung cấp thông tin vụ tấn công nhanh chóng kịp thời của Nga ngay lập tức đặt ra nhiều câu hỏi, Israel đã cung cấp thông tin vụ tấn công cho Nga hay chính hệ thống radar của Nga đã phát hiện được toàn bộ diễn tiến vụ tấn công?

Có lẽ trong hoàn cảnh hiện tại ít có khả năng Israel đã cung cấp thông tin chi tiết vụ tấn công cho Nga.

Trước đó Israel cũng đã từng công khai thông tin về việc họ đã báo trước cho Nga về một số vụ tấn công. 

Thường thì các cuộc tấn công nhằm vào khu vực có cả quân Nga hiện diện sẽ được Israel thông báo trước.

Căn cứ không quân T-4 thời điểm tấn công dường như chỉ có các chuyên gia quân sự Iran và Syria.

Vì vậy có thể Israel đã nhân cơ hội các mối quan tâm đang đổ dồn về Douma, nơi vừa diễn ra vụ tấn công hóa học để bất ngờ tập kích vào sân bay T-4.

Vì vậy có thể giải thích các loại khí tài quân sự tối tân của Nga ở cảng Tartus và căn cứ Hmeymim đều được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao để thu thập được thông tin về vụ tấn công trên.

Ngay lập tức, nhiều người đã đặt ra câu hỏi các hệ thống phòng thủ S-400, Pantsir-S1 của Nga ở đâu khi vụ tấn công xảy ra?

Rõ ràng, các cơ sở quân sự của Nga ở Syria được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và Pantsir-S1 với khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình cũng như các loại máy bay, bao gồm cả máy bay không người lái. 

Riêng S-400 có thể phát hiện đồng thời nhiều mục tiêu từ khoảng cách 400 km và căn cứ T-4 của Syria ở Homs hoàn toàn thuộc phạm vi hoạt động này.

Theo các chuyên gia quân sự, Nga hoàn toàn đủ khả năng đánh chặn các tên lửa trong vụ T-4 bị không kích, nhưng Moscow đã không trực tiếp làm như vậy vì vụ tấn công nhắm mục tiêu vào căn cứ của Syria, không phải của Moscow. 

Nga dù đang tiến hành cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, song nước này luôn nỗ lực tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với bất cứ bên nào đặc biệt là Israel.

Israel và Nga vẫn đang duy trì mối quan hệ ngoại giao rất tốt, mặc khác Israel cũng đang giúp Nga phát triển một số vũ khí công nghệ cao như UAV dùng trong quân sự.

Các UAV của Nga sử dụng tại Syria đều do phía Israel cung cấp, hoặc trợ giúp tài liệu để Nga sản xuất ngay trong nước. Vì vậy hành động đối đầu trực diện giữa hai nước tại Syria là không cần thiết.

Mặt khác Israel mới chỉ dừng lại ở các cuộc không kích chứ họ cũng không đưa quân vào lãnh thổ Syria.

Điều này chưa trực tiếp đụng chạm đến quyền lợi chiến lược của Nga tại khu vực này.

Mặt khác nếu Nga bắn hạ tên lửa của bất cứ nước nào rất có thể dẫn tới sự leo thang căng thẳng không thể kiểm soát được trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, thậm chí dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Moscow và nước đó.

Hơn nữa, mục đích của việc Nga triển khai các hệ thống phòng không tại Syria là để bảo vệ các cơ sở của Nga tại đây, chứ không phải bảo vệ tất cả các cơ sở của đồng minh Syria. 

Đó là lý do tại sao họ không kích hoạt S-400 hay Pantsir-S1 khi căn cứ của Syria bị tấn công.

Tuy vậy không có nghĩa là Nga bỏ mặc Syria hoàn toàn để đương đầu trong các cuộc không kích từ đối phương.

Nga cho biết họ đã cảnh báo thông tin vụ tấn công cho phía quân đội Syria.

Điều này giải thích tại sao phòng không Syria cũng kịp đánh chặn 5/8 quả tên lửa nhằm vào họ.

Nếu không có phía Nga bật đèn xanh ngay khi phát hiện ra máy bay Israel xuất kích, có thể căn cứ không quân T-4 sẽ bị thiệt hại hơn rất nhiều.

Quan điểm của Nga là sát cánh cùng với Syria trong các cuộc tấn công vào nhóm khủng bố và các lực lượng thánh chiến cũng như đối lập.

Họ sẵn sàng tấn công vào những lực lượng này.

Với những cuộc tấn công xuất phát từ những quốc gia khác, phía Nga sẽ cung cấp vũ khí cho Syria, đồng thời phản đối trên mặt trận ngoại giao.

Điều này giải thích tại sao Nga đã cung cấp cho phía Syria tới 40 hệ thống phòng không Pantsir-S1.

Với 40 hệ thống đánh chặn hiện đại này, cộng với tin tình báo từ Nga, phòng không Syria đủ sức đương đầu với những cuộc tập kích của đối phương.

Thực tế thì Nga luôn cung cấp mọi thông tin có được liên quan đến các cuộc tấn công từ những quốc gia khác như Mỹ, Israel và cả Thổ Nhĩ Kỳ cho phía đồng minh Syria.

Nhưng bao lâu căn cứ của họ chưa bị chính các quốc gia này tấn công, Nga sẽ cố gắng kiềm chế để hỗ trợ cho quân đội Syria.

Bất cứ một cuộc xung đột trực diện nào mới giữa Nga và các nước khác ngoài các phiến quân tại Syria cũng đều gây cho Nga những bất lợi.

Đương nhiên nếu cuộc xung đột trực diện nào với Nga xảy ra thì chính quốc gia đó cũng không hưởng lợi.

Với tiềm lực quân sự khổng lồ, Nga sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức. 

Nhưng điều này chỉ xảy ra trong hoàn cảnh bất khả kháng.

Hiện tại Nga vẫn cố duy trì sự hiện diện và trợ giúp quân sự cho chính quyền của Tổng thống Assad. Các hệ thống phòng không của họ sẽ vẫn tiếp tục đặt trong tình trạng báo động cao để đối phó với mọi diễn biến phức tạp có thể xảy ra trên chiến trường.

Theo truyền thông địa phương, ngay trước khi thông tin về vụ tấn công này được công bố, cả hệ thống phòng thủ của Nga gồm S-400, Pantsir-S1 cùng tiêm kích Su-30SM ở căn cứ Tartus và Hmeymim đều được đưa vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao.

Các chuyên gia cho rằng, chính radar của các hệ thống S-400 và Pantsir-S1 đã phát hiện ra tên lửa và đưa ra cảnh báo giúp lực lượng phòng không Syria nắm được số lượng thiết bị tấn công, hướng bay và thời điểm các tên lửa xâm nhập lãnh thổ Syria để tổ chức đánh chặn hiệu quả.