[ẢNH] Bất ngờ lớn khi trực thăng Mi-17 có thể mang tên lửa chống hạm

ANTD.VN - Hoán cải trực thăng vận tải Mi-17 để mang theo tên lửa hành trình chống hạm đã được chứng minh là hoàn toàn khả thi, đây có thể được xem như một phương án cho Việt Nam nghiên cứu học tập.

Trực thăng chiến đấu của hải quân có khả năng mang theo tên lửa hành trình chống hạm được đánh giá là một phương tiện cực kỳ lợi hại trong những trận hải chiến hiện đại.

Bộ đôi này sẽ giúp cho các biên đội tàu mặt nước được nối dài tầm bắn, do radar trên trực thăng có đường chân trời xa hơn rất nhiều radar lắp cho tàu mặt nước.

Tuy nhiên do là một vũ khí có thể thay đổi cuộc chơi mà rất ít lực lượng hải quân trên thế giới được trang bị phương tiện đặc biệt này.

Kể cả khi có tiền thì nhiều nhà sản xuất cũng không sẵn sàng bán cho đối tác vũ khí trên do tính chất cực kỳ nguy hiểm và lợi hại của nó.

Trước tình cảnh trên, quốc gia Hồi giáo Iran đã sáng tạo ra một cách thức độc nhất vô nhị và rất đáng để cho nhiều nước phải học hỏi.

Mi-171 (một biến thể của Mi-17) là dòng trực thăng đa năng, ngoài chức năng vận tải thì khi cần thiết nó còn có thể mang bom, rocket, pod súng máy gắn ngoài hoặc tên lửa chống tăng để yểm trợ hỏa lực mặt đất.

Tuy nhiên, quân đội Iran còn muốn nhiều hơn thế khi mới đây họ đã mày mò và tìm ra cách trang bị cả tên lửa chống hạm cho chiếc trực thăng này.

Mi-171 của Iran đã được nâng cấp với khả năng mang theo 2 tên lửa chống hạm C-802 do Trung Quốc sản xuất, hoặc Noor (phiên bản C-802 nội địa) do Iran chế tạo trong nước theo giấy phép.

Hiện vẫn chưa rõ tên lửa chống hạm C-802 khi bắn đi từ trực thăng Mi-171 sẽ được dẫn đường bằng phương thức nào? 

Có thể Iran đã lắp cho Mi-171 một radar dẫn bắn trong chóp mũi, nhưng cũng có thể tên lửa phải được chỉ thị mục tiêu từ một phương tiện khác.

Mặc dù còn có một số vấn đề gây thắc mắc nhưng không thể phủ nhận rằng đây là một cách làm đầy tính sáng tạo của quân đội Iran, rất đáng để Việt Nam học hỏi khi chúng ta có khá nhiều trực thăng Mi-17/171 trong biên chế.

Các trực thăng Mi-17 và Mi-171 của Việt Nam nếu tích hợp thêm tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E hay KCT 15 nội địa sẽ giúp nâng cao đáng kể năng lực chống tàu mặt nước của Hải quân.

Việt Nam và Iran là hai đối tác khá thân thiết trên nhiều lĩnh vực, nếu nhận được đề nghị thì hoàn toàn có khả năng phía bạn sẽ trợ giúp kỹ thuật và công nghệ cho chúng ta.

Nếu hoán cải thành công trực thăng Mi-17 và Mi-171 như cách mà Iran đã làm thì còn giúp tiết kiệm rất nhiều ngân sách quốc phòng khi không phải đi mua mới sản phẩm nước ngoài chế tạo.