[ẢNH] 15.000 binh sĩ Syria tấn công phiến quân thánh chiến ở tử địa Đông Ghouta

ANTD.VN - Quân đội Syria quyết tâm giải phóng Đông Ghouta, ngoại ô Damascus, đây là đợt triển khai quân lớn nhất của Syria kể từ khi khủng bố IS bị tiêu diệt.

Quân đội Syria triển khai khoảng 15.000 quân đến khu vực Đông Ghouta, ngoại ô Damascus, chuẩn bị cho chiến dịch tấn công giải phóng lãnh địa mà lực lượng Hồi giáo cực đoan đã chiếm đóng suốt 7 năm.

Đây là lần thứ 2 trong lịch sử chiến tranh, quân đội Syria triển khai một cụm binh lực lớn để giải quyết một khu vực chiến trường trọng điểm.

Theo nguồn tin quân sự từ Damascus, lực lượng quân đội Syria triển khai trong vùng Đông Ghouta là các đơn vị tấn công thuộc sư đoàn cơ giới số 4, sư đoàn thiết giáp số 7 và 9, lữ đoàn 105 và 106 Vệ binh Cộng hòa và đặc biệt là sư đoàn đặc nhiệm "Hổ Syria".

Tổng quân số dự đoán lên tới gần 15.000 binh sĩ với hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp, các đơn vị pháo binh – tên lửa hạng nặng. 

Đặc biệt, đơn vị pháo binh tên lửa cấp chiến dịch chiến thuật của Bộ tư lệnh tối cao quân đội Syria, triển khai tên lửa chiến thuật Tochka – U, tổ hợp pháo phản lực hạng nặng BM-30 Smerch.

Cùng hàng nghìn khẩu pháo các loại được triển khai trên khu vực Đông Ghouta.

 Lực lượng pháo binh, tên lửa quân đội Syria, phối hợp với lực lượng không quân Syria tiếp tục bắn phá ác liệt chiến tuyến của lực lượng Hồi giáo cực đoan, dọn đường cho cuộc tấn công tổng lực của quân đội Syria.

Tình hình khu vực Đông Ghouta tiếp tục diễn ra căng thẳng sau khi hỏa pháo của Syria đồng loạt khai hỏa để dọn đường cho bộ binh tràn lên đánh chiếm mặt trận.

Trung tâm hòa giải dân tộc Syria của Nga cho biết, việc thuyết phục các nhóm vũ trang bất hợp pháp trên vùng ngoại ô Damascus ngừng các hoạt động quân sự tấn công quân đội Syria, hạ vũ khí đầu hàng để được đảm bảo an toàn và giao nộp khu vực cho chính quyền Syria không thành công. 

Các lực lượng Hồi giáo cực đoan, được sự hậu thuẫn và ủng hộ từ nuớc ngoài tuyên bố sẵn sàng tử chiến để giữ vững khu vực này.

Đại diện Trung tâm hòa giải dân tộc Syria của Nga cho biết, cùng với sự ngoan cố của các lực lượng Hồi giáo cực đoan trong khu vực, dẫn đầu là nhóm khủng bố HTS và lực lượng quân đội Syria tự do (FSA)...

 Tình hình nhân đạo và kinh tế xã hội ở Đông Ghouta đang trở nên trầm trọng hơn. 

Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Nga, tướng Yuri Yevtushenko cho biết, sau khi hòa giải bất thành, hai bên đã nã pháo dữ dội vào nhau.

Các nhóm vũ trang bác bỏ tất cả những yêu cầu này và tuyên bố không đàm phán với chính quyền Syria. Liền sau đó là các màn đột kích và tấn công bằng xe bom tự sát.

Thứ trưởng Bộ ngoại giao, đại diện thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Sergei Ryabkov cho biết, phái đoàn ngoại giao Nga đang làm việc cùng Hội đồng Bảo an LHQ, chuẩn bị một dự thảo nghị quyết về các vấn đề nhân đạo trên vùng ngoại ô Damascus.

Ông nhấn mạnh rằng, những đòi hỏi về vấn đề nhân đạo ở Syria cùng những hoạt động của Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Syria là một ví dụ rõ ràng về các tiêu chuẩn kép của Washington.

Tình hình đang diễn biến phức tạp ở Liên Hợp Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Heather Nauert cáo buộc rằng, lực lượng không quân Syria liên tục tiến hành các cuộc không kích ở Đông Ghouta khiến 100 thường dân thương vong và kêu gọi Nga ngừng hỗ trợ chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Đáp trả tuyên bố này, đại diện Kremlin cho rằng những cáo buộc này là vô căn cứ.

Diễn biến tình hình khu vực chiến trường Đông Ghouta đang thực sự trở nên căng thẳng, tương tự như cuộc tấn công giải phóng thành phố Aleppo năm 2017.

 Các cuộc đấu tranh chính trị diễn ra ác liệt trong Liên Hợp Quốc khi các lực lượng hậu thuẫn cho “đối lập” Syria đang thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động chính trị nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của quân đội Syria.

Ngược lại, các nước ủng hộ chính quyền hợp pháp Damascus cũng nỗ lực gây sức ép với các nhóm Hồi giáo cực đoan trên vùng ngoại ô Damascus, nhằm tìm kiếm một phương pháp hòa bình hơn để giải quyết chiến trường này.

Nhưng rõ ràng, với bản chất cực đoan và ngoan cố, cuộc chiến vùng Đông Ghouta thực sự là khó tránh khỏi. 

Trước đó, quân đội Syria chủ lực là sư đoàn cơ giới số 4, sư đoàn thiết giáp số 9 điều động hàng chục xe tăng T-55, T-62 và T-72 đến các địa bàn xung quanh Đông Ghouta, ngoại ô Damascus.

Sư đoàn cơ giới số 4 là sư đoàn chuyên chiến đấu trong các khu vực đô thị và địa hình phức tạp, trong cuộc chiến ở Syria, sư đoàn đã giải phóng nhiều địa bàn dân cư phức tạp ở Daraa và Damascus.

Nhưng trong cuộc chiến kéo dài trên vùng ngoại ô thủ đô Syria, sư đoàn 4 hai lần thất bại ở quận Jobar, Ayn Tarma và quận Harasta, không giành được bất cứ kết quả nào sau nhiều tuần tấn công.

Đến thời điểm này, căng thẳng tiếp tục gia tăng trên chiến trường Đông Ghouta khi các bên tiếp tục dồn binh sĩ và khí tài về đây.

Theo nguồn tin từ truyền thông ủng hộ “thánh chiến”, lực lượng không quân Syria đang không kích dữ dội chiến tuyến của các nhóm Hồi giáo cực đoan Jaysh al-Islam, Hay'at Tahrir al-Sham (HTS, Al-Qaeda Syria), Harakat Ahrar al-Sham và Faylaq al-Rahman trong các quận và thị trấn Nashabiyah, Tel Ferzat, Mesraba, Hawsh Ashari, Autaya, Eyen Tarma, Irbin, Harasta và Jobar ở Đông Ghouta.

Phối hợp với lực lượng không quân, các đơn vị pháo binh quân đội Syria tiếp tục bắn phá mãnh liệt chiến tuyến của lực lượng Hồi giáo cực đoan trong khu vực Đông Ghouta bằng pháo binh hạng nặng, tên lửa mặt đất và các phương tiện hỏa lực khác.

Đông Ghouta đã bị các nhóm hồi giáo thánh chiến kể từ khi cuộc nội chiến xảy ra tại Syria vào năm 2011.

Nhóm mạnh nhất lúc bấy giờ là các phiến binh thuộc quân đội Syria tự do (FSA) do Mỹ hậu thuẫn.

Thời gian sau này khi bị Mỹ bỏ rơi FSA dần suy yếu và bị nhóm khủng bố HTS tấn công để tranh giành lãnh thổ.

Thời kỳ khủng bố IS đang trên đỉnh cao của sức mạnh vào năm 2014 cả quân đội Syria và lực lượng FSA đều suy yếu, điều này tạo thuận lợi cho các nhóm phiến binh thánh chiến khác nổi lên đánh chiếm khu vực này.

Ngay sau khi IS bị tiêu diệt vào năm 2017, quân đội Syria bắt đầu điều binh để giải quyết các nhóm phiến binh thánh chiến trong đó có FSA và HTS tại khu vực xung quanh thủ đô Damascus.

Nhận thấy khả năng sắp bị tiêu diệt, FSA và HTS liền liên kết lại với nhau dù trước đó là kẻ thù của nhau.

Liên minh FSA và HTS đã nhiều lần giáng trả các cuộc tấn công của quân đội Syria.

Nhiều cuộc phản công của HTS lẫn FSA khiến cho quân đội Syria nhiều phen khốn đốn.

Chính quyền Syria phải nhờ tới sự hậu thuẫn của không quân Nga để giữ được những căn cứ xung quanh thủ đô Damascus.

So với IS thì khủng bố HTS được đào tạo bài bản và có kỹ năng chiến đấu tốt hơn nhiều.

Chính điều này buộc Nga phải dùng tới bom nhiệt áp và tăng cường hỗ trợ vũ khí cho quân đội Syria, trong đó có cả tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn nhằm tiêu diệt nhóm phiến quân này.

Sau khi rút bớt lực lượng ra khỏi Syria vào cuối năm ngoái, Nga đã bắt đầu tái triển khai lực lượng để hỗ trợ cho chính quyền Syria.

Chính việc này đã giúp quân đội Syria lấy lại sức mạnh và quyết định mở chiến dịch Đông Ghouta nhằm quét sạch phiến binh ra khỏi đây.

Chiến thắng tại Đông Ghouta sẽ mang ý nghĩa chiến lược cho quân đội Syria trong cuộc chiến chống lại khủng bố HTS và các lực lượng thánh chiến khác.