Ấn Độ mua 40 UAV trinh sát Predator đối phó với Trung Quốc và Pakistan

ANTĐ - Ngày 8-4, Reuters dẫn lời lãnh đạo tập đoàn General Atomics cho biết, Ấn Độ đang đàm phán với Mỹ về khả năng mua 40 chiếc máy bay trinh sát không người lái (UAV) Predator.

Đây là bước đi tiềm năng đầu tiên tiến tới việc mua phiên bản UAV Predator tấn công, được đánh giá là nhằm tăng cường năng lực quân sự của Ấn Độ tại các khu vực biên giới với Trung Quốc và Pakistan, cũng như dọc Ấn Độ Dương.

Trước đó, New Delhi đã mua các UAV trinh sát từ Israel để giám sát vùng đồi núi Kashmir, một khu vực tranh chấp giữa hai đối thủ nam Á sở hữu vũ khí hạt nhân này và là nguyên nhân gây nên 3 cuộc chiến tranh giữa hai nước.

Ông Vivek Lall, giám đốc bộ phận phát triển chiến lược của General Atomics, cho biết, hải quân Ấn Độ đang rất quan tâm tới loại UAV Predator để tăng cường giám sát trên Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, đây là một cuộc thảo luận liên chính phủ giữa hai nước.

Máy bay không người lái vũ trang MQ-1 Predator của General Atomics 
Cuối năm 2015, chính phủ Mỹ đã phê chuẩn đề xuất của General Atomics về việc tiếp thị phiên bản UAV Predator XP không được vũ trang sang thị trường Ấn Độ. Hiện vẫn chưa rõ khi nào thì những chiếc UAV này được bàn giao.

Ấn Độ đang nỗ lực mua sắm các máy bay không người lái nhằm thu thập tin tức tình báo và tăng cường hỏa lực tại các khu vực biên giới và giám sát chặt chẽ hơn vùng biển Ấn Độ Dương, nơi cần phải có các UAV có khả năng bay liên tục 35 giờ, trong bối cảnh hải quân Trung Quốc cũng đang mở rộng hoạt động của các tàu ngầm và tàu chiến tại khu vực.

Ngoài phiên bản Predator trinh sát, Ấn Độ cũng đã yêu cầu Washington cung cấp 100 chiếc Predator C Avenger vũ trang. Đây là loại UAV đang được Mỹ sử dụng trong các cuộc không kích chống khủng bố và phiến quân Hồi giáo ở Pakistan và Afghanistan.

Tuy nhiên, thỏa thuận bán phiên bản Predator có khả năng sát thương cho Ấn Độ cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn và được sự đồng ý của 34 quốc gia thuộc nhóm cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa.

Thông tin trên được đưa ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter bắt đầu dẫn đầu phái đoàn quân sự Mỹ sang thăm Ấn Độ vào cuối tuần này để đàm phán về việc tăng cường hợp tác quân sự trong những tháng cuối cùng của chính quyền Obama.