Ấn Độ chia tay với 'sát thủ trinh sát săn ngầm' IL-38SD

ANTD.VN - Việc cho nghỉ hưu "sát thủ trinh sát săn ngầm" IL-38SD đã chấm dứt một kỷ nguyên lừng lẫy của dòng phi cơ do Liên Xô phát triển, được hải quân Ấn Độ vận hành trên Ấn Độ Dương.
Hải quân Ấn Độ đã khép lại một chương quan trọng trong lịch sử của mình vào ngày 31/10/2023, khi rút chiếc máy bay trinh sát săn ngầm Il-38SD cuối cùng.
Phi đội trinh sát hàng hải tầm xa (LRMR) đầu tiên của Hải quân Ấn Độ ban đầu được biên chế cùng 5 chiếc máy bay Lockheed L-1049 Super Constellation vào năm 1976.
Đây là những máy bay tuần tra trên bờ đầu tiên của hải quân Ấn Độ.
Sau đó hải quân Ấn Độ nhận ra rằng những chiếc máy bay này không đáp ứng được yêu cầu của họ, vì vậy họ đã quay sang Liên Xô để tìm kiếm một loại máy bay trinh sát săn ngầm mới.
Sau khi đánh giá Hawker Siddeley Nimrod, Breguet Atlantique và Ilyushin IL-38, hải quân Ấn Độ đã quyết định chọn máy bay Liên Xô vì nó rẻ nhất và cũng dễ sử dụng nhất.
Hải quân Ấn Độ đã quyết định mua 5 chiếc và đưa vào trang bị đầy đủ vào năm 1983.
Ngoài IL-38, hải quân Ấn Độ cũng mua cả phiên bản Tu-142MK của Liên Xô để đưa vào trang bị.
Ilyushin IL-38 (Tên hiệu của NATO: May) được phát triển từ máy bay vận tải động cơ phản lực cánh quạt Ilyushin Il-18.
Đây cũng là loại máy bay tác chiến cuối cùng do Cục thiết kế máy bay Ilyushin của Liên Xô nghiên cứu, phát triển. Có tổng số khoảng 100 chiếc IL-38 đã được chế tạo.
Sau khi Ấn Độ loại biên, chỉ còn Nga sử dụng loại máy bay trinh sát săn ngầm này.
Hiện nay, lực lượng hải quân Nga có khoảng 35 chiếc Ilyushin IL-38 với các biến thể khác nhau.
Nga hiện đang dùng hai biến thể là IL-38D và IL-38N.
IL-38N là biến thể nâng cấp sâu rộng của IL-38D với nhiều cải tiến vượt trội.
Biến thể này được trang bị hệ thống cảm biến tổng hợp Novella P-38 gồm radar trinh sát, hệ thống ảnh nhiệt độ phân giải cao.
Hệ thống phát hiện từ tính lạ, hệ thống theo dõi quang - điện (bao gồm các kênh lade, TV, hồng ngoại), thiết bị phát hiện lực hút lạ và nhiều trang bị khác.
Có thể dễ dàng nhận ra điểm khác giữa IL-38N với thế hệ cũ, chính là đĩa anten đặt ở ngay trên buồng lái máy bay.
Trên đây chứa hệ thống tìm kiếm – theo dõi Novella P-38 được thiết kế để tăng khả năng tác chiến cho máy bay chống mục tiêu trên không, trên mặt biển và dưới mặt biển.
Máy bay có 2 khoang vũ khí ở bụng, giúp nó có thể mang theo 9 tấn vũ khí trên khoang và hệ thống giá treo.
Các loại vũ khí bao gồm: tên lửa chống hạm, ngư lôi, bom thông thường, bom khoan tầng nước sâu (có thể mang đầu đạn hạt nhân làm nghèo, cỡ nhỏ) và mồi bẫy điện tử.
IL-38N có thể mang theo 216 phao sonar RGB-1 hoặc 144 phao sonar RGB-1 và 10 phao sonar RGB-2 trong nhiệm vụ tác chiến chống ngầm.
Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ, các tham số, tính năng của IL-38N và phiên bản xuất khẩu IL-38 SD đều tương đương với máy bay trinh sát chống ngầm cánh cố định P-3 “Orion” hiện Mỹ và một số đồng minh vẫn đang sử dụng.
IL-38N có khả năng giám sát đồng loạt 30 mục tiêu tàu thuyền trong phạm vi 320 km.
Ngoài ra, nó còn được trang bị hệ thống cảm biến nhiệt thế hệ mới nhất và hệ thống máy tính cực mạnh, nâng cao rất nhiều khả năng trinh sát tàu ngầm
IL-38N vẫn giữ nguyên cấu hình động cơ với bốn chiếc AI-20M.
Với 4 động cơ này cho phép máy bay đạt tốc độ bay tối đa 645 km/h, tầm bay 7.500 km, trần bay tối đa 11.000 m, thời gian hoạt động liên tục lên tới 13 tiếng.
IL-38N hiện là dòng máy bay trinh sát săn ngầm hiện đại nhất của Nga.
Các hạm đội của Nga hiện đang biên chế các loại máy bay Tu-142, IL-38 và IL-38N, chúng làm nhiệm vụ trinh sát và săn ngầm.