Ấn Độ biên chế tàu sân bay nội địa đầu tiên NS Vikrant

ANTD.VN - Ấn Độ ngày 2/9 đã gia nhập hàng ngũ cường quốc hải quân trên thế giới khi đưa vào vận hành mẫu hạm đầu tiên được chế tạo trong nước, chiếc INS Vikrant.

Ấn Độ biên chế tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên INS Vikrant trong nỗ lực phát triển năng lực hải quân và tự chủ quốc phòng.

"Đây là một ngày lịch sử và thành tựu mang tính bước ngoặt. Đó là ví dụ vè sự thúc đẩy của chính phủ để Ấn Độ tự chủ trong lĩnh vực quốc phòng", Thủ tướng Narendra Modi phát biểu trong lễ biên chế tàu sân bay INS Vikrant tại nhà máy đóng tàu Cochin ở miền nam Ấn Độ.

Tàu NS Vikrant trị giá 3 tỷ USD, Ấn Độ là một trong số ít quốc gia có hơn một tàu sân bay đang hoạt động và trở thành quốc gia thứ 3, sau Anh và Trung Quốc, đưa vào vận hành một tàu sân bay tự chế tạo trong vòng 3 năm qua.
"Mục tiêu có thể khó khăn, thách thức có thể lớn, nhưng khi Ấn Độ quyết tâm, không có mục tiêu nào là không thể", Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh.
"Cho đến nay, loại tàu sân bay này chỉ được chế tạo bởi các nước phát triển. Ngày nay, Ấn Độ khi gia nhập đường đua này đã tiến thêm một bước nữa để trở thành một quốc gia phát triển", ông Modi nói và cho biết thêm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là "một ưu tiên an ninh chính" của đất nước.
John Bradford, chuyên gia cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết cam kết của Ấn Độ đối với con tàu phản ánh "tầm nhìn dài hạn của nước này trong việc duy trì một lực lượng hải quân đẳng cấp thế giới”.
"Các lực lượng hải quân lớn - bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Anh - đang tăng gấp đôi đầu tư vào tàu sân bay của họ. Theo đó, Ấn Độ đang tiếp tục bắt nhịp”, ông Bradford nói.
Với lượng choán nước khoảng 40.000 tấn, NS Vikrant nhỏ hơn một chút so với INS Vikramaditya - được cải tiến lại từ chiếc tàu thời Liên Xô mà Ấn Độ mua từ Nga vào năm 2004.
NS Vikrant , trong tiếng Phạn có nghĩa là "mạnh mẽ" hoặc "can đảm", là tàu sân bay thứ hai mà hải quân Ấn Độ vận hành.
Hải quân Ấn Độ cho biết tàu sân bay NS Vikrant, với chiều dài 262 m và lượng giãn nước 47.400 tấn, là chiến hạm lớn nhất nước này chế tạo.
NS Vikrant có thủy thủ đoàn 1.600 người, mang theo 30 máy bay trực thăng và tiêm kích.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định 75% thành phần tàu sân bay NS Vikrant được chế tạo trong nước do hơn 100 doanh nghiệp cung cấp.
Ấn Độ khởi đóng NS Vikrant tháng 2/2009, hạ thủy tháng 8/2013 và ra biển chạy thử tháng 8/2021.
Giới chuyên gia quốc phòng nhận định chương trình chế tạo tàu sân bay NS Vikrant bị chậm tiến độ 6 năm khiến chi phí tăng lên gấp 6 lần và tới mức 200 tỷ rupee (2,5 tỷ USD).

Tàu sân bay NS Vikrant dự kiến hoạt động đầy đủ vào năm 2023 sau khi trải qua đợt thử nghiệm cất hạ cánh với tiêm kích MiG-29K do Nga sản xuất.

Ấn Độ dự kiến trang bị cho tàu sân bay hơn 20 tiêm kích mới, nước này đang cân nhắc giữa Rafale-M của Pháp và F/A-18 Block III của Mỹ.

Ấn Độ biên chế tàu sân bay nội địa đầu tiên trong bối cảnh Trung Quốc những năm qua mở rộng hiện diện quân sự sang Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương và các vùng khu vực xa hơn. Trung Quốc hồi đầu tháng 8 điều trinh sát hạm Viễn Vọng 5 tới Sri Lanka, động thái khiến Ấn Độ lo ngại.
Hải quân Ấn Độ năm 2021 cử 4 chiến hạm tới Đông Nam Á, Biển Đông và khu vực Thái Bình Dương. Một số chiến hạm Ấn Độ tham gia diễn tập với các thành viên khác của nhóm Bộ Tứ là Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Thủ tướng Modi ngày 2/9 nhận định quan ngại về an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương bị phớt lờ quá lâu.

"Khu vực này ngày nay là một ưu tiên quốc phòng lớn của đất nước chúng tôi, do đó chúng tôi đang hành động theo mọi hướng, từ tăng ngân sách cho hải quân cho tới nâng cao năng lực của quân chủng", ông Modi nói.