Ai tháo “ngòi nổ” Syria?

ANTĐ - Tình hình Syria tiếp tục diễn biến khó lường. Trong khi Nga, Trung Quốc bày tỏ tin tưởng rằng vẫn có khả năng tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Syria, thì phương Tây lại cảnh báo nước này sẽ sớm rơi vào nội chiến.

Một cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống  Bashar al-Assad

Phải nói rằng thời gian gần đây, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có nhượng bộ đáng kể nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng và cải thiện quan hệ với bên ngoài. Hôm 15-2, ông Bashar al-Assad đã ký sắc lệnh ấn định ngày 26-2 là thời điểm tiến hành trưng cầu dân ý về Dự thảo Hiến pháp mới, theo đó hệ thống chính trị tại Syria sẽ dựa trên nền tảng bầu cử, thay vì tôn giáo, bộ tộc hay bè phái. Hiến pháp mới cũng quy định rõ thời hạn nhiệm kỳ tổng thống là 7 năm và tổng thống không được tại nhiệm quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp, đồng thời xóa bỏ Điều 8, vốn xác định vai trò của đảng Baath cầm quyền trong nửa thế kỷ qua.

Sự nhượng bộ này có thể dẫn đến những thay đổi cơ bản trong hệ thống chính trị Syria tương lai. Thế nhưng, bất chấp thái độ ôn hòa từ phía chính quyền, phe đối lập Syria và phương Tây vẫn không thay đổi quan điểm. Trong khi Ủy ban Điều phối địa phương của phe đối lập cáo buộc bản Dự thảo Hiến pháp mới chỉ là “một công cụ chính trị” của chính quyền hiện nay, thì Mỹ lên tiếng phản đối kế hoạch trên, đồng thời cho rằng đây là một “hành động nhạo báng cuộc cách mạng của Syria”.

Vấn đề là ở chỗ phe đối lập và phương Tây quyết loại bỏ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bằng mọi giá. Người phát ngôn của lực lượng đối lập Syria đã tuyên bố thẳng: “không còn cách nào khác là lật đổ chế độ hiện nay cùng với tất cả các biểu tượng, các đại diện và tư tưởng nền tảng của nó”. Mỹ và châu Âu cũng lên tiếng kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Kịch bản mà phương Tây đưa ra là ông Bashar al-Assad phải chuyển giao quyền lực cho cấp phó trước khi Syria tiến hành bầu cử.

Đây rõ ràng là hành động can thiệp công khai vào vấn đề nội bộ của Syria. Để tăng sức mạnh cho yêu sách của mình, Mỹ và phương Tây đã tính đến việc trang bị vũ khí cho các nhóm nổi dậy hoặc thiết lập vùng cấm bay ở Syria như từng làm với Libya, mục đích là từng bước bóp nghẹt chính quyền của ông Bashar al-Assad. Trước mắt, các biện pháp trừng phạt của phương Tây cùng làn sóng bất ổn đang hủy hoại kinh tế Syria. Dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Syria đã giảm từ 22 tỷ USD xuống còn 10 tỷ USD và vẫn tiếp tục bị thu nhỏ.

Một cuộc chiến tranh chống Syria có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Trong bối cảnh đó, Nga và Trung Quốc đang đóng vai trò trung gian hòa giải để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Syria. Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga khẳng định: “Duma Quốc gia Nga cực lực lên án những âm mưu và hành động can thiệp vũ lực vào công việc của các nước khác cũng như áp đặt cho họ những quyết định từ bên ngoài. Nga kêu gọi LHQ, đặc biệt là HĐBA, giữ lập trường trung lập trong vấn đề Syria và không để lặp lại kịch bản Libya”. Trung Quốc thì khẳng định ủng hộ người dân Syria thoát khỏi bạo lực, xung đột và ngọn lửa chiến tranh, chứ không phải làm cho tình hình thêm phức tạp.

Tuy nhiên, “ngòi nổ” Syria có tháo được hay không phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và việc làm của phương Tây.