Ai phải chịu trách nhiệm bồi thường sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội khiến 56 người chết, nhiều người bị thương, gây thiệt hại nặng nề về tài sản, điều được nhiều người quan tâm là trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

Phân tích về trách nhiệm bồi thường đối với nạn nhân sau các vụ hoả hoạn, luật sư Lê Hồng Vân – đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định.

Như vậy, cá nhân có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường.

Một nạn nhân được đưa khỏi hiện trường đám cháy chung cư mini ở Hà Nội

Một nạn nhân được đưa khỏi hiện trường đám cháy chung cư mini ở Hà Nội

Trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa qua, thiệt hại về người và của là vô cùng nghiêm trọng. Song, để xác định người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trước hết cần làm rõ nguyên nhân xảy cháy. Người có lỗi để xảy ra vụ cháy này sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Nếu lỗi gây thiệt hại hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư, họ sẽ phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại về mặt tài sản và những thiệt hại về sức khỏe, tình mạng nếu nạn nhân yêu cầu.

Lỗi của chủ đầu tư được xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau như thi công, lắp đặt các thiết bị của chung cư không đúng quy trình; sử dụng các trang thiết bị nói chung và các thiết bị PCCC không đúng tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn; thực hiện thi công xây dựng chung cư không theo thiết kế, giấy phép được cấp, không đảm bảo những lối thoát hiểm khi cần thiết, không đủ khả năng phòng cháy, chữa cháy…

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, chủ chung cư không được cấp phép PCCC, không có phương án phòng chống cháy nổ để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho các hộ dân, xây dựng sai phép. Do đó, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, nếu có đủ căn cứ chứng minh, cá nhân này còn có thể phải bồi thường thiệt hại về tính mạng và tài sản cho các gia đình nạn nhân - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.

Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, theo Điều 588 BLDS 2015, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Trong vụ cháy tại chung cư mini, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với người có lỗi làm cháy chung cư mini là 3 năm kể từ ngày vụ cháy xảy ra.