5 tiêm kích chiếm ưu thế trên không hạng nặng tốt nhất Đông Nam Á

ANTD.VN -Tiêm kích chiếm ưu thế trên không hạng nặng luôn giữ vai trò chiến đấu cơ chủ lực trong mọi lực lượng không quân trên thế giới. Hiện tại trong khu vực Đông Nam Á, máy bay Nga đang chiếm ưu thế về chủng loại so với Mỹ.

Indonesia và Nga thông báo họ đã ký kết hợp đồng cung cấp 11 tiêm kích chiếm ưu thế trên không hạng nặng Su-35S và quốc gia vạn đảo sẽ nhận máy bay đầu tiên vào tháng 8 năm nay, đưa họ trở thành khách hàng thứ hai của Su-35S tại khu vực châu Á sau Trung Quốc.

Su-35S là phiên bản hiện đại hóa sâu của dòng Su-27 Flanker, nó được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) AL-41F1S cùng radar mảng pha quét thụ động N035 Irbis-E có tầm trinh sát tối đa 400 km, kết hợp cùng hệ thống trinh sát quang điện tử OLS-35 có độ nhạy cao. Tính năng của Su-35S được cho là tiệm cận tiêm kích thế hệ 5.

Mới đây trong chuyến thăm Myanmar của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, Moskva công bố sẽ bán cho Nay Pi Taw 6 tiêm kích Su-30SME - phiên bản xuất khẩu sửa đổi từ chiếc Su-30SM đang phục vụ trong Không quân Nga.

Tiêm kích Su-30SME được tích hợp radar mảng pha quét thụ động N011M BAR có tính năng tiệm cận với N035 Irbis-E khi cùng có tầm quan sát 400 km, động cơ của nó là AL-31FP có kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều nhưng do đặt nghiêng trục với nhau mà có thể tạo ra trạng thái “3D giả”.

Trước khi Myanmar sở hữu phi đội 6 chiếc Su-30SME thì tại Đông Nam Á, Không quân Hoàng gia Malaysia đã vận hành tới 18 tiêm kích Su-30MKM, đây là một biến thể dành cho xuất khẩu của Su-30SM, có nhiều tính năng rất giống với Su-30MKI của Ấn Độ.

Các thành phần chính của Su-30MKM gồm radar N011M BAR cùng động cơ AL-31FP vẫn được giữ nguyên, chỉ khác là máy bay tích hợp hệ thống điện tử hàng không “liên hợp quốc” với các khí tài có xuất xứ từ Israel, Pháp và Nam Phi thay vì chỉ là hàng Nga.

Su-30MK2 là phiên bản xuất khẩu của dòng Su-30M2 đang được Không quân và Không quân Hải quân Nga sử dụng, khách hàng của nó tại khu vực Đông Nam Á là Việt Nam và Indonesia, đây là biến thể tối ưu hóa cho nhiệm vụ tấn công mục tiêu trên biển.

Su-30MK2 được lắp động cơ AL-31F không có kiểm soát vector lực đẩy, hệ thống ngắm bắn đa nhiệm SUV-VEP bao gồm radar N001 và OLS-30 có phạm vi tìm kiếm mục tiêu trên không khoảng 150 km, phát hiện tàu sân bay và xuồng cao tốc từ cự ly tương ứng 250 km và 70 km.

Cuối cùng trong danh sách là tiêm kích F-15SG của Không quân Singapore, đây là một biến thể dựa trên F-15E Strike Eagle đang phục vụ trong Không lực Hoa Kỳ, đặc điểm dễ thấy trên F-15SG là nó bổ sung thùng dầu phụ hòa nhập khí động sức chứa 2.800 lít bên cửa hút gió.

Radar đa năng AN/APG-70 trên F-15SG có tính năng độc đáo là sau khi quét và thiết lập xong bản đồ địa hình có thể chuyển qua chế độ đối không trong khi vẫn theo dõi được mục tiêu dưới đất. Hệ thống LANTIRN (Low Altitude Navigation and Targeting Infrared for Night - Dẫn đường bay thấp, bay đêm và dò mục tiêu bằng hồng ngoại) cho phép F-15SG tấn công chính xác cả ngày lẫn đêm trong mọi điều kiện thời tiết.