5 điều sẽ định hình nền chính trị Mỹ vào năm 2025

ANTD.VN - Diễn biến mới trên chính trường, nhất là mâu thuẫn gần đây trong Quốc hội Mỹ đang hé lộ manh mối ban đầu về những điều sẽ định hình nền chính trị nước này vào năm 2025.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khi ban hành chính sách mới có thể đối mặt với mâu thuẫn trong Quốc hội

Những chia rẽ tại Quốc hội

Theo The Hill, vài tuần sau khi giành chiến thắng tại Quốc hội và Nhà Trắng, căng thẳng đã bùng phát giữa một số nghị sĩ đảng Cộng hòa và Tổng thống đắc cử Donald Trump. Tại Thượng viện, sự chia rẽ đã xuất hiện xung quanh một số người được ông Trump đề cử. Trong số đó, nổi bật là ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, người đã bác bỏ cáo buộc tấn công tình dục một phụ nữ cách đây 7 năm và cựu dân biểu Tulsi Gabbard (Hawaii), người được lựa chọn làm Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia nhưng lại có quan điểm đồng cảm với Nga và từng kêu gọi ông Trump ân xá cho Edward Snowden dù người này đã tiết lộ thông tin mật của Mỹ.

Trong khi Quốc hội cuối cùng đã tránh được tình trạng đóng cửa bấp bênh ngay trước kỳ nghỉ lễ, một số thành viên Hạ viện đã bày tỏ bất bình về việc lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện xử lý dự luật tài trợ của chính phủ theo lối tinh giản hơn và không có yêu cầu của ông Trump về việc nâng trần nợ.

Ảnh hưởng của tỷ phú Elon Musk

Doanh nhân công nghệ Elon Musk đã trở thành một nhân vật ngày càng có ảnh hưởng đối với chính trường Mỹ. Vị tỷ phú đồng sáng lập một số công ty lớn như SpaceX và Tesla đã chi khoản tiền khổng lồ (ít nhất 250 triệu USD0 cho các nỗ lực giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ông Elon Musk đã được Tổng thống đắc cử chọn để nắm quyền chỉ đạo nhóm cố vấn “Bộ Hiệu quả chính phủ” (DOGE) với mục đích “giải thể bộ máy quan liêu của chính phủ, cắt giảm các quy định dư thừa, chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang”.

Gần đây nhất, nhóm của Tổng thống đắc cử đã bác bỏ quan điểm cho rằng tỷ phú Elon Musk là người liên quan đến việc tác động ông Trump phản đối dự luật chi tiêu chính phủ của Chủ tịch Hạ viện. Thậm chí, trong sự kiện Turning Point USA ở Arizona, ông Trump khẳng định về tỷ phú gốc Nam Phi: “Ông ấy sẽ không thể trở thành Tổng thống, tôi có thể nói với bạn điều đó. Ông ấy không được sinh ra ở đất nước này”.

Nhân tố trong bầu cử sơ bộ

Năm 2025 không phải là năm bầu cử quan trọng, nhưng có thể là bước đệm để chuyển sang cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026. Trên thực tế, sự ủng hộ của ông Donald Trump đóng một vai trò quan trọng, quyết định ai sẽ nhận được đề cử của đảng Cộng hòa.

Với những căng thẳng đã lan rộng ra ngoài đồi Capitol, một số đảng viên Cộng hòa phản đối Tổng thống đắc cử có thể dễ bị tổn thương khi bước vào các chiến dịch tái tranh cử của họ. Gần đây nhất, ông Trump đã tiếp tục đe dọa dân biểu Chip Roy (bang Texas) về việc phản đối việc nâng trần nợ mà không cắt giảm chi tiêu. Đây có thể là ví dụ điển hình khi Tổng thống đắc cử tìm cách loại bỏ các thành viên trong đảng nhưng cản trở chương trình nghị sự của ông.

Những nỗ lực xoay trục của đảng Dân chủ

Đảng Dân chủ Mỹ vẫn đang choáng váng sau một cuộc bầu cử mà họ thua trên mọi tiểu bang chiến trường và chứng kiến một số thượng nghị sĩ chủ chốt mất ghế, cuối cùng dẫn đến mất đa số tại Thượng viện. Nhìn lại, các thành viên đảng Dân chủ cho rằng, một trong những lý do lớn nhất khiến họ thua cuộc là do cảm nhận của cử tri về thương hiệu Dân chủ. Nhưng đảng này sẽ tập hợp lại và khắc phục nguyên nhân thất bại như thế nào? Cuộc đua giành chức Chủ tịch Ủy ban toàn quốc đảng Dân chủ (DNC), diễn ra vào tháng 2, phần nào lý giải điều đó.

Khủng hoảng quốc tế

Các cuộc xung đột Nga - Ukraine hay Israel - Hamas đã nới rộng khoảng cách chia rẽ trên chính trường Mỹ. Nếu như cuộc chiến Israel - Hamas đã làm xáo trộn các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa do quan điểm khác biệt về cách thức xử lý sự việc thì xung đột Nga - Ukraine đã làm nổi bật sự chia rẽ giữa phe mong muốn kiềm chế can dự với những người tin rằng Mỹ nên làm nhiều hơn để hỗ trợ Ukraine. Ngoài ra, ông Trump còn gây căng thẳng ở Mỹ Latinh (khi kêu gọi đòi lại quyền kiểm soát kênh đào Panama) và với Đan Mạch (khi ông cân nhắc mua đảo Greenland).