400.000 người Pháp bị đánh cắp lý lịch

ANTĐ - Mới đây, cảnh sát Pháp đã bắt giữ được tên tội phạm trốn lệnh truy nã suốt 23 năm - J.Kerviel, 42 tuổi. Tên tội phạm ma mãnh này bị kết tội giết hại dã man cô bạn gái. Trong thời gian chờ kháng án, hắn ta đã giả bệnh và được đưa đi chữa. Trong lúc cảnh sát không đề phòng, hắn đã nhanh chân tẩu thoát.
400.000 người Pháp bị đánh cắp lý lịch ảnh 1
“Gói lý lịch gốc” giá khoảng 3.000 euro


Để truy bắt tên tội phạm truy nã cực kỳ nguy hiểm này, suốt hơn 23 năm trời các điều tra viên thuộc lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm quốc gia Pháp đã bám theo dấu vết hắn trên từng cây số, từng địa điểm hắn đến… Nhưng cho đến mãi ngày 17-3-2013, các các điều tra viên nhận được thông tin, một đối tượng đang tạm trú tại tỉnh Lorient ở vùng Bretagne, miền Tây Bắc nước Pháp, có nhiều biểu hiện và nhận dạng khá giống với kẻ đang bị truy nã. Qua điều tra về nhân thân và lai lịch của nghi can, cảnh sát phát hiện J.Kerviel suốt 23 năm qua sống dưới tên giả, với hộ chiếu lấy theo giấy chứng sinh ăn cắp của một đứa bé chết yểu. 

Theo cuộc điều tra của cảnh sát công bố vào tháng 10-2012, không dưới 8% người Pháp bị đánh cắp lý lịch, tăng 4% so với năm 2009. Một con số đáng báo động. Christophe Naudin, chuyên gia chống hồ sơ giả mạo nhận xét: “Hiện, ước tính có khoảng 400.000 người bị đánh cắp lý lịch, tăng gấp 2 lần chỉ trong vòng 3 năm. Loại tội phạm này làm cho luật pháp quốc gia bị rối loạn, bỏ sót nhiều loại tội phạm khác nhau. Đôi khi, cả những người cầm quyền đất nước cũng không thể nhận ra công dân của mình nữa. Tất cả thông tin đã bị “phù phép” tinh ma. Thậm chí chính quyền còn phải kinh hoàng khi phát hiện những tên lừa đảo vẫn tiếp tục lĩnh lương hưu của một người đã chết cách nay đến 1/4 thế kỷ?”.

Thực ra, quãng thời gian mà loại tội phạm này gia tăng bất thường là cách đây 5 năm, kể từ khi xuất hiện trên thị trường chợ đen, với cái gọi là gói lý lịch - pack identitaire. Từ đó một gói lý lịch gốc, gồm những bản sao: chứng nhận căn cước, giấy phép cư trú, hóa đơn tiền điện, chủ quyền nhà, trích lục giấy khai sinh (gửi đến từ quê hương của một người còn sống)... được mua với giá 3.000 euro. Riêng với gói hạng nhất có thể lên đến 5.000 euro, với việc bổ sung bằng một hộ chiếu, danh sách bảng lương, thẻ tín dụng ngân hàng và hợp đồng lao động.

Phương thức trộm cắp của loại tội phạm này cũng đơn giản. Phần lớn, bọn lừa đảo thu gom nhiều bản sao tài liệu liên hoàn với nhau của một người, để đánh lừa chính quyền và có được giấy tờ chính thức. Trong một quốc gia như nước Pháp, nơi có được tờ giấy phép cư trú là kéo theo một loạt quyền lợi về trợ cấp xã hội, kiểu tội phạm này trở thành nguồn lợi béo bở. 20 tỉ euro chính là con số lừa đảo trợ cấp xã hội mà nước Pháp phải gánh chịu. Phần lừa đảo trợ cấp xã hội làm thiệt hại ngân sách từ 540 - 808 triệu euro. 

Thông thường, các nạn nhân bị đánh cắp lý lịch chỉ phát hiện ra sau đó 2 - 3 năm, khi sự việc đã xong xuôi và đệ đơn kiện... một ai đó mà không phải là chính mình. Theo lời người đại diện Cơ quan quốc gia Pháp về ngăn chặn lừa đảo, nhiều người không nhận thức được mức độ nghiêm trọng cho đến khi nhận được yêu cầu trả tiền vay hay trả tiền hàng mà họ không mua, hoặc nặng nề hơn là nghi can trong các vụ án hình sự, dân sự lừa đảo.

Từ năm 2011, không dưới 14.000 hồ sơ, với những thông tin “vô lý” kiểu như thế được thụ lý. Để có thể khôi phục tên của mình, nạn nhân cần bỏ ra nhiều nỗ lực, thời gian và tiền bạc. Trong trường hợp kẻ đánh cắp khi bị phát hiện, bị 1 năm tù giam và phạt tiền 15.000 euro. Một hình phạt rất nhẹ so với 10 năm tù giam của luật pháp Mỹ hay Canada. 

Không chỉ nhắm vào thường dân, bọn tội phạm còn “chơi” cả các ngôi sao. Bằng chứng là tiền đạo bóng đá nổi tiếng Karim Benzema, phải ra trước tòa vì bị đánh cắp lý lịch trong câu chuyện bẩn thỉu phổ biến hình ảnh khiêu dâm và xâm hại trẻ em tại đảo La Réunion. Mùa thu năm ngoái, Valérie Trierweiler, phu nhân Tổng thống Pháp François Hollande, cũng phải ra tòa sau khi tên của bà được dùng để xin giấy phép xây dựng tại một làng ở Morbihan. Một số nhân vật chính trị cũng bị dính vào trong âm mưu bôi nhọ danh dự của họ. Đầu tháng 2-2013, dân biểu Julien Aubert đã phải ngưng tài khoản của mình trên Twitter, và khởi đơn kiện sau khi phát hiện “tên mình” đã nói nhiều câu chống người đồng tính trên mạng xã hội này. 

Nhiều người đang kỳ vọng vào hộ chiếu sinh học, để ngăn chặn nạn đánh cắp dữ liệu cá nhân. Nhưng hiện nay chỉ mới có 5 triệu người Pháp có được loại hồ sơ này. Một tấm thẻ điện tử với ảnh và cả một kho dữ liệu cá nhân bên trong sẽ là hình ảnh của một hộ chiếu sinh học. Ngoài những dữ liệu căn bản như: ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, tấm hộ chiếu sinh học còn lưu giữ phần dữ liệu sinh học quan trọng khác: từ dấu vân tay cho đến ảnh điện tử chụp mống mắt và thậm chí là cả sơ đồ ADN cá nhân.