- Bé trai bị tai biến nặng sau cắt bao quy đầu hết gần 10 triệu đồng ở bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu làm rõ
- Yêu cầu bác sĩ rút kinh nghiệm vụ bé trai 14 tuổi tai biến nặng sau cắt bao quy đầu
Sự cố y khoa liên quan đến sử dụng thuốc tại các bệnh viện khá phổ biến (Ảnh minh họa) |
Chiều nay, 16-9, Bộ Y tế tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới.
Phát biểu tại đây, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, theo cảnh báo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), sự cố y khoa do chăm sóc không an toàn là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tổn thương hàng đầu trên thế giới.
Ít nhất có 5 người bệnh chết mỗi phút do chăm sóc y tế không an toàn, trong đó có 50% là phòng tránh được. Có tới 14,3% chi phí tại bệnh viện là để điều trị hậu quả các sự cố y khoa gây ra.
Liên quan tới thuốc, thống kê của WHO chỉ ra có tới 12% tổng số người bệnh gặp sự cố từ kê đơn. 6-7% người bệnh nội trú gặp sự cố có liên quan tới thuốc. 30% người bệnh gặp sự cố khi dùng 5 loại thuốc trở lên.
Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, từ 2019 đến tháng 8/2022, 35% bệnh viện trên toàn quốc triển khai báo cáo sự cố y khoa. Trong đó, 1/3 số lượng sự cố được báo cáo là có thể ngăn chặn được.
Liên quan đến công tác dược lâm sàng, sự cố gặp nhiều nhất là nhầm liều, chiếm 20% tổng số sự cố về thuốc tại bệnh viện tuyến trung ương và 18,5% tổng sự cố về thuốc tại bệnh viện tỉnh, thành phố. Riêng tại bệnh viện tuyến quận huyện, sự cố gặp nhiều nhất là 23,7% do nhầm thuốc và thứ 2 là 10% nhầm liều.
Trước thực tế này, ông Lương Ngọc Khuê yêu cầu các bác sĩ khi kê đơn thuốc, cần kê đúng thuốc, đúng người, đúng bệnh. Với điều dưỡng khi thực hiện thuốc, cần đảm bảo 5 đúng gồm: đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời gian.