Yêu cầu bác sĩ rút kinh nghiệm vụ bé trai 14 tuổi tai biến nặng sau cắt bao quy đầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi họp Hội đồng chuyên môn, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đề nghị bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi T.P.N.A bị tai biến sau cắt bao quy đầu phải rút kinh nghiệm sâu sắc...
Bệnh nhi ở Thái Nguyên chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức điều trị vì tai biến sau cắt bao quy đầu

Bệnh nhi ở Thái Nguyên chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức điều trị vì tai biến sau cắt bao quy đầu

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã có báo cáo gửi Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế về tai biến y khoa sau khi cắt bao quy đầu.

Báo cáo nêu rõ, ngày 7-9, sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, bệnh viện đã tiến hành họp và thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá quá trình tiếp nhận, điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Cụ thể, vào ngày 23-8, bệnh nhi T.P.N.A (nam, sinh năm 2008, trú tại Thái Nguyên) đến khám với lý do hẹp bao quy đầu. Bệnh nhi được khám, thực hiện các xét nghiệm và được chẩn đoán là “thắt nghẹt bao quy đầu”, chỉ định phẫu thuật cấp cứu cắt bao quy đầu giải nghẹt.

Trước khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ đã giải thích về nguy cơ và các khả năng có thể xảy ra như: Chảy máu, sưng nề, tím vùng da bao dương vật ở tại chỗ cắt. Bệnh nhi được thực hiện cắt bao quy đầu bị hẹp ngày 23-8. Đến ngày 29-8, sau khi khám và đánh giá tình trạng bệnh ổn định, bác sĩ đã cho bệnh nhi ra viện, kê đơn thuốc, giải thích các dấu hiệu cần theo dõi, quay trở lại khám nếu có bất thường.

Tuy nhiên, sau khi ra viện, bệnh nhi thấy dương vật vẫn có dấu hiệu sưng, rỉ máu. Gia đình không yên tâm nên đã đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) khám và điều trị.

Sau khi họp xem xét, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái nguyên cũng đã trao đổi với bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức về việc điều trị cho cháu.

Hội đồng chuyên môn đã xem xét, thống nhất, đây là một phẫu thuật loại 3, thực hiện thường quy tại bệnh viện, đã được chẩn đoán đúng và tiến hành điều trị kịp thời. Hội đồng đã đánh giá việc thực hiện quy trình chuyên môn kỹ thuật và quy trình chăm sóc, đảm bảo an toàn phẫu thuật.

Tuy nhiên, do tình trạng bệnh nhi và yếu tố cá thể, vùng phẫu thuật tổ chức lỏng lẻo, có nghẹt nên đã có hiện tượng bầm tím, chảy máu lại sau thủ thuật sau khi xuất viện.

Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, các y, bác sĩ đã giải thích, chăm sóc và thăm khám đầy đủ hằng ngày. Tuy nhiên, khi ra viện bác sĩ điều trị chưa sát với bệnh nhi dẫn đến chưa nắm bắt được sự cố và hỗ trợ bệnh nhi kịp thời.

Ban Giám đốc và hội đồng đề nghị Khoa Ngoại tiết niệu và bác sĩ Đ. - người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi nói trên rút kinh nghiệm sâu sắc, đồng thời thăm khám lại giúp cháu bé sau khi cháu ở Bệnh viện Việt Đức về.

Như ANTĐ đã đưa tin, ngày 7-9, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn gửi Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên yêu cầu xác minh và làm rõ trước sự cố y khoa “bệnh nhân tai biến nặng sau thủ thuật cắt bao quy đầu”.

Theo thông tin ban đầu người nhà cung cấp, bệnh nhi 14 tuổi đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cắt bao quy đầu, tổng chi phí gần 10 triệu đồng.

Một ngày sau khi thực hiện thủ thuật, dương vật của bệnh nhi sưng to, tím đen. Bác sĩ đến khám lại, dùng kim chọc để hút dịch, nhưng tình trạng sưng tím vẫn tiếp tục. Sau một tuần điều trị nhưng tình trạng không thay đổi, bé trai đau đớn, không đi lại được nên gia đình xin cho cháu về và chuyển viện.

Ngày 31-8, bệnh nhi được đưa đến Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt Đức. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhi bị chảy máu sau cắt bao quy đầu bằng máy, chỉ định lấy máu tụ, cầm máu, tạo hình bao quy đầu.