2024 Kinh tế Việt Nam bứt phá vượt những “cơn gió ngược”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2023 khép lại với kết quả đáng khích lệ, Việt Nam “vượt những cơn gió ngược” thành công, biến nhiều khó khăn chưa từng có tiền lệ thành tăng trưởng dương 5,05% nhờ những quyết sách hợp lý, kịp thời, đồng bộ. Được xem là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025), năm 2024 đang đến với những dự báo lạc quan.
Năm 2024 dự kiến Việt Nam sẽ đạt một mốc 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động

Năm 2024 dự kiến Việt Nam sẽ đạt một mốc 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động

Tự tin vượt qua thách thức

Đối với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà quản lý, 2023 là một năm đầy rẫy khó khăn, thậm chí là thách thức nhiều không kém thời điểm đại dịch Covid-19 đang bùng phát, thế nhưng, GDP năm 2023 vẫn tăng 5,05%. Nền kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng về thu hút FDI, số doanh nghiệp thành lập mới, giải ngân vốn đầu tư công hay xuất khẩu đạt được nhiều thành tích, đời sống nhân dân được cải thiện. Kết quả này là căn cứ quan trọng để đưa ra những dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2024 lạc quan hơn.

Dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 3 mức tăng trưởng là: 5,5% (kịch bản thấp), 6% (kịch bản cơ sở) và 6,5% (kịch bản cao). Các kịch bản dự báo của CIEM đưa ra cũng tương đối sát với tính toán gần nhất của một số định chế tài chính quốc tế, như Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo 5,5%, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo 5,8% (nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới) và Ngân hàng châu Á (ADB) dự báo 6%.

Nhận định về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục gặp nhiều thách thức hơn là những cơ hội. “Dù vậy, qua những bài học quý báu chúng ta có được trong năm 2023, Việt Nam có thể tự tin vượt qua những thách thức đó và tận dụng được thời cơ, đem lại những hiệu quả tích cực đối với nền kinh tế” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói. Bên cạnh đó, dự kiến sang năm 2024, Việt Nam sẽ đạt một mốc 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, đây cũng là một cột mốc hết sức ý nghĩa.

“Để nền kinh tế có thể hồi phục mạnh mẽ vào năm 2024, Việt Nam cần linh hoạt các giải pháp để giải quyết được những khó khăn, thách thức đang hiện hữu. Trên thực tế, quá trình đổi mới sáng tạo, chuyển dịch năng lượng... đang mang đến những cơ hội mới để cho Việt Nam có thể thâm nhập những thị trường mới, gia tăng giá trị và hàm lượng hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tăng cường thu hút đầu tư, tận dụng những công nghệ tiên tiến cũng như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mục đích khai thác hiệu quả các cơ hội này để phát triển ở mức cao hơn, thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình”.

Bà Ramla Khalidi (Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam)

Dốc toàn lực cho chặng về đích

Còn theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - bà Nguyễn Thị Hương, năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đó là hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn còn dai dẳng; lạm phát ở một số nền kinh tế lớn nhiều khả năng vẫn ở mức cao do tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; nợ công tiếp tục gia tăng; tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng thấp, chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh địa chính trị diễn biến căng thẳng, khó lường; áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia… Khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng.

Ở trong nước, tuy thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng động lực truyền thống còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng nên năm 2024 dự báo kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch Covid-19 tới nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024 trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn. Tuy vậy, đại diện Tổng cục Thống kê vẫn cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Phân tích kỹ hơn về các động lực tăng trưởng, Tổng cục Thống kê cho hay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cần chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả để ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, ngập mặn, từ đó tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định của khu vực này như những năm qua. Ở khu vực công nghiệp và xây dựng, nhiều dự án đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong năm 2024 cũng sẽ góp phần cho tăng trưởng của nước ta trong năm tới. Tương tự, khu vực dịch vụ dự báo vẫn là điểm sáng trong năm 2024. Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa như: ngành vận tải hàng không, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch... Các ngành dịch vụ phi thị trường dự báo vẫn ổn định.

“Năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này. Đây có thể là những thuận lợi mang tính chủ quan nhưng cũng là áp lực lớn cho hoạt động kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng” - đại diện Tổng cục Thống kê nói.

Tiến sĩ Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam cũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 5,5 - 6,5% trong năm 2024 là tương đối thách thức trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, các điều kiện và chuyển biến trong những tháng cuối năm ủng hộ cho triển vọng tăng trưởng trong năm tới.

Tiến sĩ Mạc Quốc Anh (Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội): Kỳ vọng hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ

“Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam cũng như việc Việt Nam - Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sau đó chúng ta ký kết nhiều Hiệp định thương mại đa phương lớn như CPTPP, EVFTA… Do đó, việc hai nước nâng tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện không chỉ mang lại cơ hội cho đất nước mà còn tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nhiều công ty đa quốc gia đã đầu tư tại Việt Nam và tới đây, thêm nhiều doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Mỹ là thị trường có trên 300 triệu dân, sức mua rất lớn, đứng cạnh một đối tác lớn như vậy trên thế giới sẽ nâng tầm đất nước, nâng tầm doanh nghiệp.

Tổng thống Joe Biden cũng đã nói sẽ ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có thể hiểu các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Mỹ cũng sẽ tìm cách liên kết hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam có vị trí quan trọng trong ASEAN nên hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Mỹ sẽ có được nhiều lợi thế. Bên cạnh đó, Việt Nam là nơi để tổ chức sản xuất, chuyển giao công nghệ hàng đầu của Mỹ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến nên các tập đoàn lớn có thể hợp tác đầu tư. Ở góc độ Hiệp hội, hiện nhiều sản phẩm của doanh nghiệp trong Hiệp hội đã xâm nhập được vào thị trường Mỹ như nhựa, gạo, cà phê, dệt may… Tới đây chắc chắc sẽ có bước tăng trưởng lớn mạnh hơn nữa”.

Linh hoạt các giải pháp để duy trì tăng trưởng

Xác định rõ khó khăn, thách thức và thuận lợi trong năm mới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, để nền kinh tế bứt phá trong năm 2024 thì với các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, những chính sách nào đã mang tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế trong năm 2023, chúng ta cũng nên xem xét việc mở rộng hoặc cân nhắc việc xây dựng thêm các chính sách mới để thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần lưu ý những diễn biến mới của tình hình thế giới về giá năng lượng, đặc biệt là giá xăng dầu, tài chính tiền tệ, qua đó tác động về lạm phát hay lãi suất tỷ giá. Ở trong nước, cần thận trọng trong điều hành giá các mặt hàng Nhà nước kiểm soát cũng như giá dịch vụ công như giáo dục, y tế, giá xăng dầu, điện…

Đặc biệt, về đầu tư công, năm 2023 là năm có lượng vốn kỷ lục. Trong khi đó, năm 2024, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công với lượng vốn khoảng 640.000 tỷ đồng, thấp hơn 2023. “Với lượng vốn thấp hơn, để phát huy được tác động của đầu tư công với tăng trưởng, cần đòi hỏi ngay từ những tháng đầu năm phải quan tâm đến công tác giải ngân từ sớm. Tôi mong rằng, giải ngân đầu tư công hàng tháng, hàng quý tối thiểu cũng phải bằng năm 2023” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay.

Trong khi đó, theo CIEM, các đầu tàu tăng trưởng như Hà Nội, TP.HCM đang có tốc độ tăng trưởng chậm dần và xuất hiện một số đầu tàu mới như Hải Phòng, Quảng Ninh và Thanh Hóa. Tuy nhiên, số đầu tàu mới này còn ít và chưa thực sự mạnh mẽ. Do đó, cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tình trạng lạm phát, chú trọng nhiều hơn các động lực tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện thể chế cũng như môi trường kinh doanh; phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất; tăng cường hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ…

Tiêu dùng và xuất khẩu tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế trong năm 2024 Ảnh: Phú Khánh

Tiêu dùng và xuất khẩu tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế trong năm 2024 Ảnh: Phú Khánh

Theo bà Ramla Khalidi - Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, để nền kinh tế có thể hồi phục mạnh mẽ vào năm 2024, Việt Nam cần linh hoạt các giải pháp để giải quyết được những khó khăn, thách thức đang hiện hữu. Trên thực tế, quá trình đổi mới sáng tạo, chuyển dịch năng lượng... đang mang đến những cơ hội mới để cho Việt Nam có thể thâm nhập những thị trường mới, gia tăng giá trị và hàm lượng hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tăng cường thu hút đầu tư, tận dụng những công nghệ tiên tiến cũng như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mục đích khai thác hiệu quả các cơ hội này để phát triển ở mức cao hơn, thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình.

Ông Nguyễn Vân (Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội - HANSIBA): Cần có giải pháp kết nối để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

“Các doanh nghiệp trong Hiệp hội vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn, năng lực tài chính, tài sản. Do vậy, việc tiếp vốn cho doanh nghiệp là quan trọng, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp để phục hồi và đón đầu các cơ hội trong năm 2024. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp khó vay vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều. Điều này có thể lý giải là do doanh nghiệp đã có sự phục hồi sản xuất và xuất khẩu, nhưng đến nay vẫn chưa có khả năng trả nợ hết các khoản đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn trước đó. Chưa kể lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí... cần đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên đối với doanh nghiệp lĩnh vực này sẽ vô cùng khó khăn.

Chúng tôi mong muốn các cơ quan nghiên cứu để hạ các điều kiện tiếp cận vốn, cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp; Quan tâm thúc đẩy cơ chế đặc thù, ưu đãi thu hút đầu tư vào các Khu, Cụm công nghiệp đã được hình thành tại Việt Nam; Giảm thiểu và cải thiện thủ tục hành chính còn bất cập đối với doanh nghiệp trong nước và FDI. Thêm vào đó là các giải pháp kết nối để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu giữa doanh nghiệp quốc nội và quốc tế đến với Việt Nam”.