2 người tử vong do virus Mers tại Hàn Quốc: Cảnh báo nguy cơ dịch xâm nhập Việt Nam

ANTĐ - Thông tin 2 bệnh nhân tại Hàn Quốc vừa tử vong vì hội chứng suy hô hấp cấp vùng Trung Đông Mers (loại virus giống SARS) không chỉ gây chấn động tại nước này mà còn làm dấy lên lo ngại ở toàn khu vực, trong đó có Việt Nam. Ngày 2-6, Bộ Y tế đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để phòng chống nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập.

2 người tử vong do virus Mers tại Hàn Quốc: Cảnh báo nguy cơ dịch xâm nhập Việt Nam  ảnh 1Tăng cường giám sát hành khách nhập cảnh tại các sân bay quốc tế (ảnh minh họa)

Mỗi tháng 5.000 người nhập cảnh từ vùng có dịch 

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, thời điểm này, nguy cơ dịch do virus Mers xâm nhập Việt Nam là có thật. Lý do vì công dân nước ta đi công tác, lao động, học tập về từ vùng có dịch khá nhiều; công dân từ các quốc gia khác đã xuất phát/đi qua vùng có dịch rồi nhập cảnh Việt Nam cũng nhiều. Từ đầu năm đến nay, tổng số người nhập cảnh vào nước ta đến từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch Mers lên đến trên 23.000 người, bình quân gần 5.000 người/tháng nhập cảnh qua 2 cửa khẩu Nội Bài và Tân Sơn Nhất. “Về dịch tễ học, dịch do virus Mers có khả năng lan truyền quốc tế. Nếu không nỗ lực kiểm soát, phòng chống thì tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn, nguy cơ lan truyền sang các nước khác là rất lớn” - ông  Trần Đắc Phu nói. 

Dẫn việc dịch Mers xâm nhập và gây ra 2 ca tử vong tại Hàn Quốc, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích, chỉ trong vòng 10 ngày, từ 1 bệnh nhân đầu tiên bị lây nhiễm, virus đã nhanh chóng lây lan sang 25 người, 2 ca tử vong. Điều này là do công tác quản lý, khai thác tiền sử trường hợp nghi ngờ, trở về từ khu vực có dịch và phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế chưa tốt. Việc giám sát, cách ly người bệnh nghi ngờ trong cộng đồng cũng chưa chặt chẽ. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị, việc áp dụng tờ khai y tế tại các cảng hàng không quốc tế cần phải được tăng cường, nhất là áp dụng với các hành khách đi từ vùng có dịch về.

Thứ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Thanh Long cũng nhận định, nguy cơ dịch Mers xâm nhập vào Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra. Đáng chú ý, nguy cơ lớn nhất là từ Hàn Quốc chứ không phải từ Trung Đông bởi lượng người qua lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc rất lớn.

Không nên quá hoang mang

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, giải pháp quan trọng nhất để ngăn dịch Mers xâm nhập nước ta thời điểm này là phải phát hiện sớm ca bệnh di trú, khống chế, kiểm soát kịp thời không cho dịch lây lan. Muốn vậy, cần tăng cường hơn nữa khâu giám sát tại cửa khẩu. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị phải in tờ khai bằng tiếng Anh, Việt, Hàn; thông tin tờ rơi phát trên máy bay, cửa khẩu phải có tiếng Hàn; kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng dịch theo các tình huống đã xác định…

Đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an cho biết, việc giám sát ở cửa khẩu sẽ hết sức khó khăn để có thể sàng lọc được 100% người nghi ngờ mang bệnh, bởi virus Mers có thời gian ủ bệnh kéo dài đến 14 ngày. Việc giám sát tại cộng đồng như thế nào cũng rất khó bởi biểu hiện ban đầu của bệnh khá giống các bệnh viêm đường hô hấp khác. Do vậy, cần tuyên truyền mạnh mẽ về dịch bệnh này không chỉ với cộng đồng mà ngay trong chính đội ngũ cán bộ y tế. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, việc người mang virus Mers lọt qua cửa khẩu là điều hoàn toàn có thể xảy ra, do đó, cần phải tập trung vào giám sát người có triệu chứng lâm sàng. 

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trước mắt, phải có thông điệp, khuyến cáo mạnh mẽ đến người dân để tự phòng chống bệnh. “Thời điểm này, người dân tốt nhất không du lịch, công tác đến các nước vùng Trung Đông đang có dịch, trừ khi quá cấp thiết. Những người đi từ Hàn Quốc, Trung Quốc về đều phải khai báo tại cửa khẩu và chủ động khai báo với cơ sở y tế nếu có biểu hiện bất thường” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến cáo. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, người dân không nên hoang mang, lo lắng. Ngành y tế đã đặt quyết tâm cao nhất, dứt khoát không để dịch Mers xâm nhập vào Việt Nam.                   

Virus Mers có thể tồn tại trong thời gian dài
Hiện tại, Hà Nội là 1 trong 2 địa phương có tỷ lệ hành khách nhập cảnh đến từ các quốc gia đang có dịch Mers lớn nhất cả nước. Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam, virus Mers lây từ người sang người, nguy hiểm không kém dịch SARS năm 2003 khiến hơn 800 người tử vong. Nếu như virus Ebola có thể biến mất sau một thời gian thì virus Mers có thể tồn tại trong thời gian dài. Do vậy, Việt Nam và các nước cần hướng tới kế hoạch phòng chống dịch bệnh này lâu dài hơn.