2 miền thương nhớ

(ANTĐ) - Họa sỹ người Mỹ-Dan Potter đã đến nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Sự bình dị của con người Việt Nam và đặc biệt là những con người Hà Nội thực sự trở thành chốn để ông đi về giữa 2 miền nhớ - thương.

Chốn đi về giữa

2 miền thương nhớ

(ANTĐ) - Họa sỹ người Mỹ-Dan Potter đã đến nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Sự bình dị của con người Việt Nam và đặc biệt là những con người Hà Nội thực sự trở thành chốn để ông đi về giữa 2 miền nhớ - thương.

Đến là thấy yêu Hà Nội

Việt Nam không xa lạ với họa sỹ Dan Potter. Từ những năm tháng còn trai trẻ, ông đã biết đến sự kiên cường của con người Việt Nam khi một đất nước nhỏ bé dám chống lại nhiều cường quốc lớn. Và ngay trong lòng nước Mỹ thời gian đó, Hà Nội và Việt Nam đã được nhắc nhiều qua các phong trào phản chiến hay những bản tin thời sự. Vì thế, ấn tượng về người Việt Nam trong ông rất đậm nét, con người Việt Nam dũng cảm và gan góc. Nhưng chỉ khi được đặt chân tới Việt Nam năm 2004, ông mới hiểu ấn tượng của mình chưa thực sự đầy đủ.

Những buổi chiều lang thang trên các con phố của Hà Nội, lặng lẽ một mình với giấy và bút vẽ, ông đã bị sự hiếu khách và thân tình của người Hà Nội cuốn hút. Nhiều tác phẩm chân dung Hà Nội đã ra đời ngay trên đường phố, trong các quán ăn, các cuộc gặp mặt… Có những người ông chỉ gặp một lần nhưng cũng có những người ông đã gặp lại và vẽ họ ở nhiều thời khắc khác nhau. Và Dan Potter thường tặng lại người mẫu của mình bức tranh vừa kịp hoàn thành chớp nhoáng. Nhưng có những bức chân dung quá đẹp ông sẽ giữ lại để làm tư liệu. Qua những bức ký họa, ông đã có thêm nhiều người bạn Hà Nội và sở hữu trong tay kha khá những tác phẩm về chân dung Hà Nội.

Các tác phẩm chân dung của Dan Potter tại triển lãm “Chân dung Hà Nội”

Chân dung người Hà Nội trên giấy dó

Trở lại Mỹ, ông thấy rất nhớ Hà Nội và thấy rằng cần trở lại nhiều hơn nữa về thành phố cổ kính này cũng như đất nước Việt Nam. Với nhiều người nước ngoài, giao thông ở Hà Nội có lẽ đã trở thành nỗi ám ảnh về sự lộn xộn nhưng với Dan Potter, ông lại không cho đó là điều  phiền phức. Ông đã lý giải niềm yêu thích của mình mỗi khi đạp xe trên đường phố của Hà Nội mà không lo sợ vì một phút lơ đễnh của mình, ngắm phố phường hay mải trông theo một bóng hồng mà bị những người đi đường khó chịu. Và ông tự nhận mình là người quá mơ mộng và lãng mạn nên Hà Nội thanh bình với vẻ đẹp cổ kính rất phù hợp với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sỹ. Ông coi mảnh đất nghìn năm văn hiến là chốn trở về với nhiều hoạt động nghệ thuật.

Với Dan Potter, vẽ ký họa chân dung được ông thực hiện theo một cách rất lạ. Khác với các nghệ sỹ khác, Dan Potter dùng chất liệu hội họa truyền thống của Việt Nam: giấy dó. Ông không bắt người mẫu ngồi yên bất động hàng giờ mà cứ để họ tự nhiên với nhiều trạng thái tâm lý. Còn nghệ sỹ quan sát và bắt lấy cái thần thái của họ. Để rồi từ đó, người xem có thể thấy được sự tinh tế trong xử lý màu sắc của nghệ sỹ với những nét vẽ giản đơn có độ loang màu rất điệu nghệ và cái hồn của người vẽ khi miêu tả gương mặt của người dân Hà Nội ở nhiều góc cạnh khác nhau.

Còn nhiều triển lãm tại Hà Nội

Cho đến nay, Dan Potter đã sở hữu hàng trăm bức tranh chân dung về người dân Hà Nội và ông đang nung nấu rất nhiều ý tưởng để sử dụng chúng  vào các dự án nghệ thuật tại Việt Nam. Mà gần đây nhất là sự phối hợp của ông và Hội Mỹ thuật Hà Nội để tổ chức triển lãm “Chân dung Hà Nội” nhằm quyên góp tiền ủng hộ các nạn nhân sóng thần và động đất tại Nhật Bản. Sẽ còn nữa, nhiều triển lãm tranh có sự xuất hiện của Dan Potter trong hàng ngũ tác giả.

Và công chúng sẽ không thể quên được người họa sỹ Mỹ với gương mặt hiền hậu và bộ râu trắng như cước luôn lăm lăm bút, nước và giấy bên mình, miệt mài vẽ ngay cả trong triển lãm của chính mình. Bởi ông không muốn lãng phí khoảng thời gian tại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và càng không muốn bỏ qua chân dung những người bạn Việt Nam.

Phạm Thu Hương