11 hiệp hội ngành hàng kiến nghị giảm 100% phí bảo hiểm xã hội vì khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Các hiệp hội kiến nghị c ho phép doanh nghiệp và người lao động được miễn giảm 100% phí BHXH của doanh nghiệp và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và thực hiện giãn cách xã hội.
Doanh nghiệp kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến BHXH

Doanh nghiệp kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến BHXH

11 hiệp hội ngành hàng vừa gửi kiến nghị tới Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái- Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đồng kính gửi Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam kiến nghị các chính sách hỗ trợ của BHXH Việt Nam cho người lao động và doanh nghiệp.

Các hiệp hội gửi thư kiến nghị gồm: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Thực phẩm minh Bạch (AFT), Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hội Lương thực thực phẩm TP HCM (FFA), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP HCM (HAWA) và Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA).

Trước rất nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra, 11 hiệp hội ngành hàng đề nghị Phó Thủ tướng sắp xếp và chỉ đạo có một cuộc họp trước 18-9 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đề xuất sáng kiến phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn.

Cho rằng các vấn đề liên quan đến BHXH đang rất bức thiết với doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng đề nghị Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo và BHXH Việt Nam xem xét một số chính sách.

Cụ thể, đối với những lao động tạm ngừng việc do doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc không thể tham gia làm việc “3 tại chỗ” hoặc phải đi cách ly: cho phép hỗ trợ giải quyết chế độ BHXH cho người lao động theo khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội (hưởng chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm) trong thời gian thực hiện giãn cách/hay cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

Cho phép doanh nghiệp và người lao động được miễn giảm 100% phí BHXH trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và thực hiện giãn cách xã hội;

Cho phép các doanh nghiệp ở các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội hoặc các khu vực, địa phương mà ban chỉ đạo phòng chống dịch, UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” được tạm ngừng đóng BHXH ít nhất 3 tháng sau khi được gỡ bỏ giãn cách, bỏ yêu cầu thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”.

Đối với những lao động đã và đang làm việc “3 tại chỗ”: cho phép doanh nghiệp và người lao động được giảm 50 % mức đóng BHXH trong 6 tháng.

Cùng với đó, các hiệp hội ngành hàng đề nghị không áp dụng các hình thức xử phạt đối với các doanh nghiệp không có khả năng đóng BHXH trong giai đoạn phong tỏa do phải ngừng sản xuất hoặc bị giảm quy mô sản xuất do dịch bệnh covid-19.

Bảo hiểm y tế chi trả chi phí xét nghiệm Covid-19 cho các doanh nghiệp; Đồng thời, có chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với tất cả người lao động đã và đang hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH cho đến hiện tại.