Xây cảng Chabahar ở Iran - "nước cờ" chiến lược của Ấn Độ

ANTD.VN - Dự án cảng mới do Ấn Độ đầu tư xây dựng ở phía Đông Nam Iran tạo ra viễn cảnh hàng hóa Ấn Độ tràn ngập Trung Á và Afghanistan. Động thái này buộc nước láng giềng Pakistan chú ý theo dõi, còn Trung Quốc có thể có một đối thủ kinh tế mới trong khu vực.

Ấn Độ kỳ vọng cảng Chabahar khi hoàn thành sẽ có công suất 80 triệu tấn mỗi năm và sẽ là đối thủ đáng gờm trong vận tải biển

Hôm 3-12, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã dự lễ khánh thành dự án nâng cấp cảng biển Chabahar chiến lược ở Vịnh Oman. Dự án trị giá 340 triệu USD này giúp đưa công suất của cảng lên đến 8,5 triệu tấn hàng mỗi năm so với mức 2,5 triệu tấn trước đó. Việc mở rộng cảng biển bao gồm 5 cầu cảng mới, 2 cảng container, sẽ cho phép tàu chở hàng nặng 100.000 tấn có thể cập cảng. Cảng Chabahar sẽ mở ra thị trường ở Afghanistan và Trung Á cho hàng hóa Ấn Độ mà bỏ qua Pakistan. 

Mở rộng thị trường cho Ấn Độ

Mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đã khiến Ấn Độ gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường Iran, Afghanistan, khu vực Trung Á và Vùng Vịnh. Pakistan không cho phép hàng hóa của Ấn Độ vận chuyển qua lãnh thổ của họ. Bằng cách đầu tư mở rộng cảng Chabahar, Ấn Độ đã giải được bài toán khó nói trên bằng một tuyến đường vận tải an toàn hơn.

Chabahar cách Ấn Độ 900km và là cảng duy nhất của Iran nối liền với Ấn Độ Dương. Năm ngoái, Ấn Độ đã đồng ý đầu tư thêm 500 triệu USD nữa để phát triển đồng bộ hệ thống cảng cùng tuyến đường sắt và đường bộ. Đây được coi là bước đi quan trọng để vận hành tuyến đường vận chuyển chiến lược mới giữa 3 nước Ấn Độ - Iran - Afghanistan. “Việc mở rộng cảng Chabahar được kỳ vọng đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế 3 nước”, ông Michael Kugelman, Phó giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Woodrow Wilson ở Washington DC nhận định.

Việc này cũng tạo ra một sự ganh đua thương mại mới trong khu vực, khi cùng ở khu vực bờ biển gần đó, cảng Gwadar, của Pakistan đang được Trung Quốc tài trợ mở rộng khoảng 100km. Trung Quốc đã đầu tư 54 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng được gọi là “Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan” theo sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. 

Thực tế, cảng Gwadar đang được xây dựng bằng tiền của Trung Quốc để trở thành cửa ngõ cho hàng hóa Trung Quốc vươn đến thị trường toàn cầu qua Ấn Độ Dương. Gwadar cũng nằm trong tuyến đường ống dẫn dầu của Trung Quốc và hơn thế, nó có thể được phát triển thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc. 

Tiềm ẩn cuộc cạnh tranh mới 

“Cả hai cảng hoàn thành có thể làm gia tăng tính cạnh tranh và căng thẳng giữa các công ty vận tải trong khu vực”, Tiến sĩ Abdol Sattar Dushouki, từ Trung tâm Nghiên cứu Balochistan ở London cho biết. Ông Dushouki nói thêm rằng, khả năng Ấn Độ có thể tiếp cận thị trường Trung Á và xây dựng ảnh hưởng ở Afghanistan phụ thuộc vào tốc độ mở rộng cảng Chabahar, bởi mục tiêu của họ là phấn đấu tăng công suất cảng từ 8,5 triệu tấn hiện nay lên 80 triệu tấn mỗi năm. 

Pakistan hiển nhiên quan tâm đến quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Iran, ngay cả khi Iran nhấn mạnh rằng hợp tác ngày càng tăng với Ấn Độ không phải là nhằm chống lại Pakistan và Trung Quốc. Ngay tại lễ khánh thành dự án mở rộng cảng Chabahar cuối tuần trước, Tổng thống Iran Rouhani khẳng định: “Chúng ta nên duy trì sự cạnh tranh tích cực. Chúng tôi hoan nghênh các cảng khác trong khu vực, trong đó có cảng Gwadar”.

Pakistan cũng lo lắng về sự cạnh tranh từ dòng hàng hóa Ấn Độ chảy vào Trung Á và Afghanistan làm hạ giá thành sản phẩm của Pakistan và đẩy họ ra khỏi các thị trường này. “Tôi cho rằng dự án cảng Chabahar có thể khiến Pakistan hiện tại không lo lắng nhiều bởi phải mất thời gian dài Chabahar mới có tác động đến quan hệ thương mại và quá cảnh giữa Ấn Độ với Afghanistan và Iran. Nhưng mối lo ngại này có thể gia tăng trong tương lai”, ông Kugelman từ Trung tâm Wilson cho biết.

Các nhà phân tích cũng đánh giá, Ấn Độ mở rộng phạm vi kinh tế sang Afghanistan sẽ kéo Afghanistan vào quỹ đạo của mình và vì thế, Trung Quốc sẽ gặp đối trọng mạnh khi mở rộng ảnh hưởng tại khu vực. Tuy nhiên, tại thời điểm này, cuộc cạnh tranh kinh tế và địa chính trị khu vực mà cảng Chabahar tạo ra vẫn chỉ là suy đoán. “Ấn Độ có xu hướng thực hiện các dự án phát triển lớn với tốc độ khá chậm, vì nhiều lý do. Điều này khác rất nhiều so với cách thức mà Trung Quốc xúc tiến Sáng kiến “Vành đai và con đường”, chuyên gia Kugelman nói.