Ngòi nổ "Jerusalem" kích hoạt bạo lực Trung Đông

ANTD.VN - Đúng như dự đoán, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel đã làm bùng phát căng thẳng, kích hoạt một làn sóng bạo lực mới ở điểm nóng Trung Đông vốn đầy bất ổn.

Ngòi nổ "Jerusalem" kích hoạt bạo lực Trung Đông ảnh 1Nhiều cuộc biểu tình của người Palestine biến thành bạo động và xung đột bạo lực sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Phát biểu sau cuộc hội đàm tại Ankara nhân chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan đã lên án việc Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel cũng như chuyển Đại sứ quán Mỹ tới đây. Hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng cảnh báo động thái này làm gia tăng căng thẳng tại Trung Đông. 

Tổng thống Putin kêu gọi nối lại ngay các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine liên quan tới tất cả các vấn đề tranh chấp, bao gồm cả quy chế đối với Jerusalem. Ông Erdogan cũng cho hay, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) sẽ họp hội nghị thượng đỉnh vào ngày 13-12 tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đưa ra những hành động chung chống lại quyết định đơn phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel.

Có thể nói lập trường chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với quyết định gây sốc của chính quyền Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Quyết định đơn phương của Washington không chỉ hợp thức hóa việc chiếm đóng phần Đông Jerusalem của Israel sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967 mà còn có nguy cơ đặt dấu chấm hết cho tiến trình hòa bình Trung Đông cũng như kích động làn sóng bạo lực nghiêm trọng giữa người Palestine và Israel, giữa cộng đồng Do Thái và Arập.

Tỏ tình đoàn kết và ủng hộ mạnh mẽ với người dân Palestine - những người vẫn khát khao nguyện vọng cháy bỏng về việc thành lập một nhà nước độc lập có Đông Jerusalem là Thủ đô, các quốc gia Arập đã và đang có những động thái quyết liệt. Các nghị sĩ Quốc hội Jordan, một trong hai nước Arập đạt được thỏa thuận hòa bình với Israel, đã giao nhiệm vụ cho một ủy ban Quốc hội nước này xem xét lại mọi thỏa thuận với Israel, bao gồm cả Hiệp ước hòa bình Wadi Araba năm 1994.

Tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ sau khi chính quyền Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, các đại sứ của 5 quốc gia châu Âu là Anh, Pháp, Đức, Italia và Thụy Điển cũng đã đưa ra tuyên bố chung chỉ trích quyết định của Tổng thống Donald Trump. Bốn trong số 5 quốc gia là đồng minh của Washignton khẳng định, đây là động thái “không phù hợp” với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và “không giúp ích gì cho triển vọng hòa bình tại khu vực”.

Chính phủ Đức ngày 11-12 đã cảnh báo sự nổi lên của chủ nghĩa thù địch và bài Do Thái. Lo ngại của Đức hoàn toàn có căn cứ sau khi diễn ra nhiều cuộc biểu tình bài Do Thái và mang tính thù địch với người Do Thái nổ ra tại các thành phố của Đức, trong đó có hiện tượng người biểu tình đốt cờ  Israel cũng như tuyên truyền các thông điệp phỉ báng, chống lại Israel cùng người Do Thái.

Biểu tình suốt tuần qua cũng đã liên tục bùng phát tại khu vực Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới phản đối tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hàng chục nghìn người đã xuống đường tại các nước Arập và Hồi giáo trong đó có Lebanon, Marocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Ai Cập… Đặc biệt, nhiều cuộc biểu tình của người Palestine biến thành bạo động và xung đột bạo lực đã diễn ra tại Jerusalem do Israel kiểm soát khiến nhiều người Palestine thiệt mạng và bị thương.