- Top 10 Miss Ngôi sao Thùy Trang diện áo dài dạo phố đón Trung Thu
- Vũ Việt Hà đưa ruộng bậc thang về Tuần lễ thời trang Việt Nam
Các giảng viên và sinh viên Đại học Văn hóa trình diễn trang phục truyền thống
Vì không có sự đồng thuận
Cuộc tọa đàm gây bất ngờ thú vị ở chỗ, tất cả những diễn giả như họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, diễn viên Trần Lực, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa… đều xúng xính trong những nếp áo từ đầu thế kỷ 19. Ngay cả khách mời là PGS.TS Nguyễn Văn Cương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa hay họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng lạ hơn thường ngày khi vận áo dài cùng quần âu kết hợp với giày tây.
PGS.TS Nguyễn Văn Cương cho biết, vận trang phục này bỗng dưng ông thấy quá khứ quay về, những ký ức làng, khát khao nguồn cội hiện lên trong ông rõ nét hơn. Từ nhà ra đến ngõ, bao người quen nhìn ông tủm tỉm cười. Đi dọc trong khuôn viên Đại học Văn hóa, cả trăm ánh mắt sinh viên nhìn theo ông vừa lạ lẫm vừa thú vị. Rồi ông thắc mắc, cha ông ta xưa kia cũng ăn vận thế này, bẵng đi mấy chục năm, giờ mặc lại bỗng thấy ngại ngần.
Không vượt qua được nỗi ngại ngần, Tiến sĩ Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á chia sẻ, trước khi đến tham dự cuộc tọa đàm này ông cũng đã định ăn vận kiểu quan họ với áo the khăn đóng. Nghĩ một hồi lâu ông đành… thôi vì sợ ra đường hàng xóm, láng giềng nhỡ có thấy ông lại “sốc”.
Họa sĩ Vi Kiến Thành mang đến cuộc tọa đàm câu chuyện về nỗi gian nan mà Cục Nhiếp ảnh, Mỹ thuật và Triển lãm mấy năm nay theo đuổi việc tìm cho ra lễ phục (quốc phục). Quốc phục cho nữ thì dễ rồi, cứ áo dài mà mặc, còn nam mặc gì thì… đau đầu lắm. Đã tổ chức thi tuyển, chẳng có mẫu nào được sự đồng thuận cao. Bước thứ hai mời những nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam vào cuộc, nhưng rồi thất bại vì vẫn không tìm được sự đồng thuận, trong khi ngành ngoại giao, ngành văn hóa thì kêu ời ời.
Có Đại sứ Việt Nam mới được bổ nhiệm đến trình Quốc thư ở nước sở tại, theo quy định của nước này Đại sứ phải mặc quốc phục. Vị Đại sứ kia lúng túng, không biết mặc gì, sau rồi đành mặc tạm bộ vest đuôi tôm. Lần kết thúc Tuần lễ Hàn Quốc tại Việt Nam, 2 Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam lên sân khấu trao tặng hoa và kỷ niệm chương… Trong khi phía Hàn Quốc vận trang phục truyền thống thì Việt Nam vẫn chỉ là comple.
Họa sĩ Vi Kiến Thành phân trần, việc mãi mà không chọn được lễ phục không phải do không đủ nhà thiết kế tài năng mà do không tìm được tiếng nói đồng thuận từ phía cơ quan quản lý cho đến người dân. Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, sẽ thử đi “đường vòng” xem sao. Đường vòng mà họa sĩ Vi Kiến Thành nói đến chính là những cuộc tọa đàm như: “Trang phục truyền thống Việt qua một số bộ phim và xu hướng của nó trong đời sống đương đại”. Ông hy vọng, biết đâu từ những cuộc tọa đàm nhỏ, những ý tưởng nảy mầm, phát triển trên dư luận tốt sẽ thành công ngoài mong đợi chăng?
Đẹp thì tại sao không mặc?
Họa sĩ Nguyễn Thu Hà người đã làm nên những bộ trang phục trong “Long thành cầm giả ca” hay “Lều chõng” và “Trò đời” (chuyển thể từ 3 tác phẩm “Làm đĩ”, “Số đỏ”, “Kỹ nghệ lấy tây” của nhà văn Vũ Trọng Phụng) cho biết, kinh phí chị làm những bộ trang phục kể trên không đắt, trừ những chất vải quá đặc biệt mới đặt dệt riêng còn thường thì chị chọn vải dày một chút, loại vải thường may comple hoặc quần âu để may áo dài cho nam. Quan trọng là kiểu dáng áo, cách xử lý trong quá trình cắt và may.
Kể cả trang phục cho nam và nữ đều dao động từ khoảng vài trăm nghìn đến 10 triệu đồng/bộ. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chia sẻ kinh nghiệm khi chọn phục trang phim Việt, nếu không cẩn thận rất dễ nhầm với phim Trung Quốc, vì cứ hao hao giống - điều này rất khó. Chính vì lẽ đó, bên cạnh sự thuần Việt thì còn cần phải đẹp. Chúng ta cũng không thể ép phục trang phải thật giống trong khi nó rất xấu.
Tiến sĩ Nguyễn Việt đã có các nghiên cứu dày công về chất liệu vải trong các ngôi mộ từ thời Đông Sơn tới thời Lê cho biết thêm, thông tin về trang phục truyền thống qua các triều đại hiện không còn nhiều.
Ngay cả những nhà khảo cổ như ông, tiếp cận trang phục trong các ngôi mộ cổ còn nguyên quần áo mà còn không thể có những hình dung rộng hơn về lịch sử thời trang Việt, thế mà cứ phải đòi hỏi chính xác đến 100% thì quả là khó. Bây giờ cũng khó để hình dung triều Lý - Trần ăn mặc như thế nào. Chính vì thế, ý kiến của Cục trưởng Vi Kiến Thành, để tìm lễ phục - quốc phục nên đi đường vòng, đừng vội. Vì không có gì trong tay mà đưa ra bàn đúng sai thì… không dễ tí nào.