Ý nghĩa thiết thực từ lá thư ngỏ gửi tới người dân của Trưởng Công an quận Tây Hồ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua, CAQ Tây Hồ, Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng, cùng với các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa các loại tội phạm tới người dân. Qua đó, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn đã được người dân phát hiện, báo ngay cho cơ quan công an xử lý.
Công an quận Tây Hồ phát tờ rơi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật tới học sinh

Công an quận Tây Hồ phát tờ rơi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật tới học sinh

Nâng cao ý thức cảnh giác phòng chống tội phạm

Công nghệ số phát triển càng làm cho các vụ lừa đảo qua mạng xã hội gia tăng. Sự tinh vi của kẻ gian trên không mạng mạng đã khiến nhiều người dân mất tiền một cách tức tưởi và bất lực. Các lực lượng chức năng, trong đó lực lượng Công an chủ công đấu tranh triệt phá, bắt giữ loại tội phạm này, tuy nhiên vẫn gặp nhiều khó khăn bởi đối tượng chủ mưu và máy chủ ở nước ngoài.

Qua thống kê của cơ quan công an, tội phạm với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như: giả danh cơ quan công an, cơ quan thuế, công ty bảo hiểm, tòa án mời mua bán, gửi tài liệu qua zalo, facebook... để tặng quà, hay xử lý công việc liên quan đến pháp luật, qua đó thao túng tâm lý người già, phụ nữ cả tin. Trong khi đó, ý thức cảnh giác của người dân chưa cao, kỹ năng về công nghệ hạn chế nên trở thành nạn và mất tiền oan.

Theo tài liệu do CAQ Tây Hồ cung cấp, tối 17-5-2024, CAP Quảng An, quận Tây Hồ tiếp nhận đơn trình báo của một phụ nữ bị lừa đảo mất gần 4 tỷ đồng chỉ với thủ đoạn mời ứng trước tiền thanh toán hộ công ty, bỏ ra nhiều tiền thanh toán đơn hàng thì được nhận tiền "hoa hồng" nhiều, bỏ ít thì được ít. Ban đầu các đối tượng đã dụ dỗ bị hại thanh toán các đơn hàng ít tiền thành công và trả cho họ "hoa hồng", làm cho bị hại bị lôi cuốn và sau đó mất gần 4 tỷđồng trong tài khoản...

Đứng trước “cơn lốc” số hóa các loại hoạt động giao dịch tiền tệ trên không gian mạng, tội phạm lừa đảo với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp. Do vậy, CAQ Tây Hồ đã chủ động các biện pháp, trong đó lấy phòng ngừa tội phạm là chính. "Để thực hiện có hiệu quả việc phòng ngừa tội phạm, cần nâng cao ý thức từ người dân để nhận diện các phương thức, thủ đoạn tội phạm. Do đó, Ban chỉ huy CAQ Tây Hồ đã tuyên truyền nhằm lan tỏa thông tin, tuyên truyền kỹ năng bảo vệ tiền trong tài khoản, nhận diện tội phạm trên không gian mạng cho nhân dân" - Đại diện chỉ huy CAQ Tây Hồ cho biết.

Cùng với biện pháp tuyên truyền, Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng CAQ Tây Hồ đã có thư ngỏ gửi đến người dân trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tránh bị tội phạm trên không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhờ đó, nhiều người dân đã bảo toàn được số tiền trong tài khoản của mình sau khi bị tội phạm trên không gian mạng dụ dỗ, lừa đảo.

Thư ngỏ của đồng chí Trưởng Công an quận Tây Hồ gửi tới người dân nhằm nâng cao ý thức cảnh giác phòng chống tội phạm

Thư ngỏ của đồng chí Trưởng Công an quận Tây Hồ gửi tới người dân nhằm nâng cao ý thức cảnh giác phòng chống tội phạm

Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu

Tìm hiểu về công tác phòng ngừa tội phạm của Công an quận Tây Hồ, PV An ninh Thủ đô được biết 8h00 ngày 19-5, anh L.T.N ở phường Xuân La, quận Tây Hồ nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính, Công an quận Tây Hồ mời lên Công an quận để chỉnh sửa thông tin định danh điện tử mức 2. Tuy nhiên, do được tuyên truyền, anh N cảnh giác và đến trụ sở Công an quận để được hướng dẫn làm trực tiếp chứ không thực hiện online qua điện thoại. Tại đây, cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã đã trao đổi với anh L.T.N về việc gọi điện thoại chỉnh sửa thông tin định danh điện tử mức 2 là không đúng quy định, hiện nay “Công an quận Tây Hồ nói riêng và Công an thành phố Hà Nội nói chung không gọi điện thoại rà soát hoặc yêu cầu chỉnh sửa thông tin định danh điện tử mức 2”.

Trước đó, sinh viên T.T.L (SN 2005), tạm trú tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ nhận được điện thoại của một đối tượng lạ mời kết bạn Zalo tham gia cộng tác viên cho một công ty, với nhiệm vụ ứng trước tiền của mình để thanh toán cho công ty các đơn hàng trên mạng, công ty này sẽ thanh toán tiền gốc và tiền hoa hồng. Rất may mắn, nữ sinh này đã thường xuyên được CAQ Tây Hồ tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trên trang Facebook của CAQ nên đã bảo toàn được số tiền...

Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng Công an quận Tây Hồ cho biết, ngoài tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác để người dân tránh dính bẫy lừa đảo, mỗi khi có những thay đổi hoặc có hình thức mới về thủ tục hành chính, chi trả tiền bảo hiểm, hoạt động an sinh xã hội Công an quận phải tuyên truyền bằng thư ngỏ, ký đích danh tên, tuổi, địa chỉ số điện thoại để người dân trực tiếp liên hệ, giải đáp.

Trung tá Dương Văn Chiêm, Trưởng CAP Quảng An trao sổ tay song ngữ “Phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” cho nhân dân
Trung tá Dương Văn Chiêm, Trưởng CAP Quảng An trao sổ tay song ngữ “Phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” cho nhân dân

Mới đây trong quá trình rà soát, cấp tài khoản chi trả Bảo hiểm xã hội, Trưởng CAQ Tây Hồ đã có gửi thư ngỏ tới cán bộ và nhân dân trên địa bàn quận Tây Hồ về công tác phòng chống tội phạm.

Cụ thể: “Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội. Hiện nay CAQ Tây Hồ đang phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, làm sạch dữ liệu Bảo hiểm xã hội (BHXH), qua đó xác thực, cấp mới tài khoản Ngân hàng phục vụ chỉ trả không dùng tiền mặt đối với các công dân hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp BHXH hàng tháng trên địa bản quận.

Để chủ động phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng lợi dụng việc này để hoạt động, CAQ Tây Hồ cảnh báo: "Lực lượng Công an không gọi điện thoại yêu cầu nhân dân cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào, không yêu cầu nhân dân cung cấp mã OTP tài khoản Ngân hàng". Tất cả những cuộc gọi xưng là Công an hay nhân viên của bất kỳ cơ quan nào kể cả nhân viên ngân hàng rồi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP Ngân hàng với các lý do khác nhau đều là giả mạo; Trong việc rà soát làm sạch thông tin công dân, Công an quận Tây Hồ không giao nhiệm vụ này cho ai khác ngoài đồng chỉ Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn dân cư và đều làm việc trực tiếp với người dân để bảo mật thông tin; Ngay cả khi có cuộc gọi video call, người dân nhìn thấy hình ảnh CSKV hoặc người khác mặc trang phục CAND cũng không được tin tưởng làm theo các yêu cầu cung cấp thông tin; hãy đến ngay trụ sở Cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ vì giọng nói và khuôn mặt của người khác có thể bị làm giả để lừa đảo; Công an quận Tây Hồ đã và đang triển khai các biện pháp nghiệp vụ, vây bắt và đấu tranh không khoan nhượng với tất các các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Khi thấy có nghi vấn, đề nghị nhân dân gọi điện thoại ngay đến Trực ban hình sự Công an quận: 0.912.691.388 để phối hợp giải quyết.