Xung đột Ukraine vẫn tiềm ẩn những nguy cơ với cả thế giới

ANTD.VN - Viễn cảnh thế chiến thứ ba bùng phát bắt nguồn từ cuộc xung đột Ukraine đến nay vẫn chưa thể loại trừ.

Ngay từ khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ, đã có rất nhiều ý kiến lo ngại điều này dẫn đến thế chiến thứ ba và cho đến nay, nguy cơ trên vẫn luôn hiện hữu một cách rõ nét.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận xét tình hình hiện tại ở Ukraine có thể là màn mở đầu cho Thế chiến III. Trước đây, ông Trump tin rằng bản thân đã có một cuộc đối thoại hiệu quả với Tổng thống Nga Putin, nhưng bây giờ không có ai để nói chuyện với Moskva.

Theo ông Roman Larionov - nhà tư vấn chính trị và Giám đốc điều hành của Trung tâm Tư vấn Chiến lược, các sự kiện hiện tại thực sự gợi nhớ đến sự cân bằng của thế giới bên bờ vực của một cuộc xung đột toàn cầu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Đồng thời, "những người chơi lớn" trên phạm vi toàn cầu đang cố gắng tránh vượt qua ranh giới mong manh giữa hòa bình và ngày tận thế của "mùa đông hạt nhân".

"Moskva và Washington đã mở một đường dây trực tiếp, như trước đây ở Syria, và Tổng thống Biden đã liên tục từ chối lời kêu gọi từ Ukraine về thiết lập một khu vực cấm bay", ông Larionov nói (trích từ kênh điện tín Nezygar).

Do đó, theo vị chuyên gia phân tích nói trên, hiện tại không có tiền đề rõ ràng khiến cho sự phát triển của cuộc xung đột Ukraine trở thành Chiến tranh thế giới thứ ba.

Bình luận ý kiến ​​của ông Trump về khả năng xảy ra Chiến tranh thế giới thứ ba, chuyên gia Larionov cho rằng nó khá phù hợp với hình ảnh chính trị của cựu tổng thống Mỹ.

Cụ thể, ông Trump - cả trong nhiệm kỳ tổng thống và sau đó, đã tự thiết lập cho mình vai trò của một nhà quản lý hiệu quả, người có thể giải quyết bất kỳ cuộc khủng hoảng thế giới nào.

Bên cạnh đó, trên tờ Reporter, nhà xã hội học Maria Fil tin rằng lời nói của Donald Trump cho thấy mong muốn trở lại nắm quyền của bản thân, do đó ông ra tìm cách tác động lên tâm trạng của người Mỹ.

Đất nước này đang phải trải qua khủng hoảng kinh tế, giá xăng dầu và lương thực đang tăng cao, và ông Trump đang cố gắng thử sức với vai trò của một "vị cứu tinh" có thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất của cả chính sách đối nội và đối ngoại.

"Tại sao không tận dụng nỗi sợ hãi truyền thống về chiến tranh hạt nhân đã lắng xuống trong xã hội Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng Caribe, được thúc đẩy bởi các sản phẩm tôn giáo hàng ngày và cụ thể của Hollywood", bà Fil tự hỏi (lời của chuyên gia được kênh điện tín Nezygar trích dẫn).

Vì vậy ở một mức độ nào đó, cựu lãnh đạo Mỹ tự coi mình là trung gian giữa Nga và phương Tây. Tuy nhiên bà Fil nhận xét, ông Trump đã không thành công lắm trong các hoạt động như vậy trước đây.

Quay lại nguy cơ bùng phát thế chiến thứ ba, mới đây các nhà lãnh đạo NATO đã cảnh báo Liên minh quân sự này sẽ can thiệp vào cuộc xung đột Ukraine nếu bom đạn của Nga rơi sang lãnh thổ Ba Lan, hay Moskva bị phát hiện sử dụng vũ khí cấm.

Với thực tế trên, rõ ràng vẫn chưa thể loại trừ khả năng cuộc xung đột Ukraine trở nên mất kiểm soát và cộng đồng quốc tế vẫn cần nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng càng sớm càng tốt.