Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ảnh hưởng thế nào khi nước này có Tổng thống mới?

ANTD.VN -  Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng lần hai sẽ mang đến nhiều tác động quan trọng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Nhập khẩu một số loại thủy sản của Mỹ từ Việt Nam

Những chính sách kinh tế của ông Trump như tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu hút FDI về Mỹ, dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành nghề và lĩnh vực của Việt Nam.

VASEP cho biết, từ năm 2019-2023, thủy sản Việt Nam, trong đó có cá tra, là top 5 sản phẩm được xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ, đứng sau các mặt hàng: thiết bị điện tử, dệt may, gỗ, thép, chất dẻo. Mỹ đồng thời là một trong những nhà nhập khẩu thủy sản, nhập khẩu cá tra nhiều nhất Việt Nam.

Do đó, việc Mỹ có Tổng thống mới, đi kèm với các chính sách mới, tác động rất lớn đến các bước đi tiếp theo của doanh nghiệp xuất khẩu.

Các sản phẩm của thủy sản Việt Nam luôn được ưa chuộng tại thị trường này. Một năm thủy sản Việt Nam xuất khẩu 10 tỷ USD, riêng vào Mỹ mang về khoảng 1,4-1,5 tỷ USD.

Dưới chính quyền của ông Trump, Mỹ có thể giảm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam.

Trong đó, tôm và cá tra là những sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Việc Mỹ tăng thuế quan đối với thủy sản Trung Quốc có thể mở ra cơ hội lớn cho tôm và cá tra Việt Nam thay thế sản phẩm thủy sản Trung Quốc.

Điều này giúp tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc với việc giảm nhập khẩu thủy sản từ Mỹ, có thể chuyển sang nhập khẩu sản phẩm thủy sản từ Việt Nam để thay thế.

“Việt Nam có thể trở thành một nguồn cung thay thế đáng tin cậy cho các quốc gia muốn tránh thuế quan cao từ Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản. Vì vậy, Việt Nam có thể được lựa chọn làm nhà cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những cơ hội này, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần duy trì chất lượng sản phẩm cao, tăng cường chế biến sâu và khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh”- VASEP khuyến nghị.

Bên cạnh những thuận lợi, Hiệp hội này cũng chỉ ra những thách thức đối với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Đó là các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ. Các biện pháp này có thể bao gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.

Dù kết quả thuế chống bán phá giá đối với tôm, cá tra và thuế chống trợ cấp với tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có xu hướng thuận lợi hơn trong năm 2024 nhưng theo VASEP, các doanh nghiệp vẫn cần thận trọng và có chiến lược khi xuất khẩu sang thị trường này.

Ngoài ra, chính sách bảo hộ và hàng rào thuế quan của Mỹ cũng có thể khiến cạnh tranh gia tăng giữa Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác như Ấn Độ, Ecuador, hay Indonesia, những đối thủ lớn trong ngành thủy sản.

Từ quan điểm nêu trên, VASEP khuyến nghị, để tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong bối cảnh thay đổi chính sách thương mại quốc tế, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần chủ động và linh hoạt trong việc thích ứng với các yếu tố biến động của thị trường.

Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải tuân thủ đầy đủ các quy định của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), bao gồm các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đảm bảo các tiêu chuẩn về sản xuất bền vững và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến chế biến để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường Mỹ; minh bạch về quá trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu và các tiêu chuẩn chất lượng...

Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, có chiến lược sản xuất và kinh doanh hiệu quả với giá thành sản phẩm phải hợp lý và minh bạch. Đồng thời, doanh nghiệp cần có các kế hoạch ứng phó nhanh chóng với các thay đổi về thuế quan và biện pháp thương mại của Mỹ.