Xuất khẩu sang Trung Quốc có thể cải thiện từ quý II tới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong quý I năm nay, xuất khẩu sang Trung Quốc lại sụt giảm mạnh.
Sầu riêng Việt Nam đạt sản lượng xuất khẩu lớn thứ hai vào Trung Quốc

Sầu riêng Việt Nam đạt sản lượng xuất khẩu lớn thứ hai vào Trung Quốc

Ông Trần Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Dù vậy, so với hai tháng đầu năm 2023, tốc độ giảm đã chậm lại (tháng 1-2023 giảm 24,33%, tháng 2-2023 giảm 18,72%).

“Điều này cho thấy tín hiệu tích cực trong tình hình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Dự báo, trong quý II-2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có sự cải thiện nhất định”- ông Trần Quang Huy nói.

Trong các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc, nhóm hàng chế biến, chế tạo, đạt 9,5 tỷ USD, giảm 11,26% và nhóm hàng nông, thủy sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 2,39%.

Nhận định về thị trường Trung Quốc năm 2023, đại diện Vụ Thị trường châu Á- châu Phi cho rằng, bên cạnh quan hệ song phương tốt đẹp thì việc Trung Quốc xóa bỏ hầu hết các biện pháp phòng chống dịch đối với người và hàng hóa xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu từ ngày 8-1-2023 đã khiến nước này tăng trưởng lạc quan trở lại.

Do đó, hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục ổn định, hiệu suất thông quan nâng cao. Tại một số địa phương có các cửa khẩu biên giới quan trọng đối với thương mại song phương như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, lượng hàng hóa thông quan hàng ngày cơ bản tương đương với giai đoạn trước dịch. Những yếu tố thuận lợi nêu trên dự kiến sẽ có tác động tích cực vào sự khôi phục trong hoạt động xuất khẩu và kể cả nhập khẩu của Việt Nam từ quý II cho đến cuối năm.

Từ thực tế thị trường nước sở tại, ông Lương Văn Tài – đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh – thông tin, trong tháng 4-2023, Quốc vụ Viện Trung Quốc ban hành “Ý kiến về thúc đẩy ổn định quy mô và cơ cấu ngoại thương”, trong đó đáng chú ý là việc sửa đổi “Biện pháp quản lý thương mại cặp chợ biên giới” nhằm tạo môi trường, chính sách đa dạng hóa thương mại cặp chợ biên giới, tăng cường nhập khẩu từ các nước lân cận.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài (Lệnh 248) yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hoàn thiện hồ sơ gia hạn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER).

Theo ông Lương Văn Tài, hiện Trung Quốc tiếp tục có những động thái siết chặt quản lý kiểm soát các đợt dịch (dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu phi, dịch đậu mùa khỉ...) và Việt Nam cũng đã ghi nhận có ca nhiễm đậu mùa khỉ nên các Hiệp hội cần tích cực nắm bắt thông tin, diễn biến dịch trên thế giới và nguy cơ lây lan trong nước để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp sản xuất có các biện pháp tránh lây nhiễm và đẩy mạnh làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với các doanh nghiệp ngành rau quả nghiên cứu khả năng đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực chế biến rau quả, một mặt nâng cao hàm lượng giá trị xuất khẩu, một mặt bắt kịp xu thế thị trường trái cây và rau quả chế biến không ngừng tăng trong những năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Duy Phú- Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) – cũng cho rằng, cơ hội hợp tác của Việt Nam ngoài thiết bị máy móc và linh phụ kiện, thị trường tỉnh Quảng Đông có nhu cầu nhất định đối với thủy sản, gạo, trái cây Việt Nam.

Thông tin về chính sách mới tại địa bàn Trùng Khánh (Trung Quốc), bà Triệu Thúy Nga – Trưởng đại diện, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh – cho biết thêm, việc cửa khẩu Quả Viên Cảng (được chỉ định nhập khẩu lương thực) đi vào hoạt động từ tháng 3 vừa qua, kết nối với tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội (Việt Nam) đến Trùng Khánh (qua cửa khẩu Đồng Đăng - Bằng Tường) và ngược lại; thời gian vận chuyển chỉ khoảng 4-5 ngày là điều kiện thuận lợi nếu doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn hình thức vận tải hàng hóa bằng đường sắt liên vận quốc tế từ Việt Nam, vừa giảm giá thành vận tải, tiết kiệm thời gian và nhân lực vừa an toàn, hiệu quả.

Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam còn có thể đến Trùng Khánh và kết nối với chuyến tàu liên vận Trung Quốc – Châu Âu, từ Trùng Khánh đi Châu âu (qua Kazakhstan, Nga, Bealrus, Ba Lan, Đức và từ Đức tỏa đi các nước Châu âu khác), thời gian khoảng 20-25 ngày (tuần 2 chuyến.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý, Trung Quốc hiện không còn là “thị trường dễ tính” như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận. Mặt khác, kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu, vì Trung Quốc đã và đang sẽ là công xưởng của thế giới. Mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo ra lợi thế và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam. Do đó, nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường là rất quan trọng. Các doanh nghiệp và hiệp hội cần phối hợp với chặt chẽ với thương vụ để tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc.

Kỳ vọng sầu riêng mặt hàng xuất khẩu tỷ USD trong năm 2023

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), quý I-2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã tăng tới hơn 8,3 lần (733,2%) so với cùng kỳ năm ngoái, lên 153,5 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc chiếm đến 87% thị phần với 133,6 triệu USD. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, trong quý I-2023, Trung Quốc đã nhập khẩu sầu riêng từ thị trường Việt Nam với khối lượng 27.374 tấn với kim ngạch 133,4 triệu USD, chiếm 30% về lượng và 26,3% về kim ngạch trong tổng nhập khẩu sầu riêng của nước này. Hiện giá xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng khoảng 10% so với thời điểm mới được cấp phép vào thị trường này. Tuy nhiên, giá sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc vẫn đang khá cạnh tranh với bình quân 4.849 USD/tấn trong quý I/2023 so với 5.555 USD/tấn của Thái Lan.

Ông Đặng Phúc Nguyên- Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, sầu riêng hiện đã vươn lên vị trí thứ hai trong danh sách các loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chỉ sau thanh long. Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hiện có lợi thế về giá cả, thời gian vận chuyển và phù hợp với khẩu vị của người dân Trung Quốc. Dự kiến năm nay nếu tình hình thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt trên dưới 1 tỷ USD.