Xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử quốc tế “mở đường” phục hồi cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nhiều sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như: Amazon Global Selling, Alibaba… sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu để phục hồi sau đại dịch, miễn là doanh nghiệp trong nước biết cách làm.
Xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới là lựa chọn tốt trong đại dịch

Xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới là lựa chọn tốt trong đại dịch

Lựa chọn đưa hàng Việt ra thế giới qua sàn TMĐT Alibaba, ông Lê Nguyễn Khánh Trình- Giám đốc CTCP Khánh Trình cho biết, năm 2010, ông Trình xuất khẩu sản phẩm xà đơn qua sàn TMĐT quốc tế.

Tuy nhiên, vị giám đốc này không đạt được mục tiêu vì sản phẩm đặc thù, mới mẻ chưa có thương hiệu, khó thuyết phục “nhà buôn” nước ngoài nhập với số lượng lớn.

Trong khi đó, sản phẩm của công ty phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đến từ Trung Quốc. "Dù chúng tôi lập website quốc tế, lập đội bán nhưng không thành công. Năm 2016 tôi thử cách tiếp cận khác là trên Amazon và thành công vì họ hỗ trợ, cho phép người mua nhận toàn bộ tiền khi hàng kém chất lượng, sai mô tả. Chính sách này thu hút người mua lớn kể cả với thương hiệu mới vì họ tin có đơn vị hỗ trợ quyền lợi”- ông Khánh Trình cho hay.

Từ đây, doanh nghiệp này đã tìm được đường xuất khẩu và hiện sản phẩm đến được với khách hàng ở hơn 70 nước, doanh thu 3-4 triệu USD/năm.

Theo ông Trịnh Khắc Toàn- Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, so với năm 2020, năm 2021 số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có doanh số 100.000 USD trên Amazon tăng 18%; số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có doanh số 500.000 USD trên Amazon tăng 53%; số sản phẩm được bán bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tăng 34%...

“TMĐT giúp loại bỏ các khâu trung gian, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và có thể định giá thương hiệu khi bán xuyên biên giới nên đây là một trong những lựa chọn tốt để doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch”- ông Trịnh Khắc Toàn nhấn mạnh.

Nhìn nhận về cơ hội phát triển từ TMĐT, bà Lê Thị Hà- Trưởng phòng Chính sách (Cục TMĐT&KTS- Bộ Công Thương) cho hay, dù đối mặt với nhiều thách thức bởi Covid-19, doanh nghiệp áp dụng được chuyển đổi số vẫn có cơ hội riêng.

Chứng minh cho nhận định này, bà Hà dẫn ra điều tra với 47 quốc gia từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021, tỷ lệ chi tiêu trực tuyến trong tổng chi tiêu toàn cầu tăng mạnh, nhất là thời điểm đỉnh dịch, khoảng 14,9%, so với trước thời điểm đó (năm 2019) là 10,3%.

Với nước ta, Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam là 18%, trở thành nước duy nhất trong Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.