Xuất hiện chiêu trò lừa đảo mới từ việc mua bán thông tin cá nhân qua mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc mua bán thông tin cá nhân quá dễ dàng qua mạng xã hội là khởi nguồn của nhiều vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao, trong đó có thủ đoạn mới là chiếm đoạt tài khoản ngân hàng đi cùng số điện thoại.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông, trong năm 2023, số lượng các vụ lừa đảo công nghệ cao tăng gần 70% so với năm 2022. Các đối tượng lừa đảo với nhiều chiêu bài trên không gian mạng và qua các cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin mất sạch tiền.

Không những thế, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi. Trong đó có một chiêu thức mới, khi người dùng tắt máy điện thoại là chính thức “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo.

Khi người dùng tắt máy điện thoại, rất dễ rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo

Khi người dùng tắt máy điện thoại, rất dễ rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo thông qua mạng xã hội sẽ dễ dàng mua được các thông tin các nhân như họ tên, số thẻ ngân hàng, số căn cước công dân, số điện thoại di động... Sau khi mua được các thông tin đó một cách bất hợp pháp, chúng bắt đầu các trò lừa đảo.

Đầu tiên, mục tiêu chúng nhắm đến là những người sử dụng ứng dụng thanh toán hoặc ứng dụng mua sắm trực tiếp cho phép người dùng có thể lấy mật khẩu bằng cách đọc đúng thông tin cá nhân hoặc các ứng dụng cho phép sử dụng số điện thoại dự phòng để thực hiện giao dịch.

Sau đó, các đối tượng liên tục gọi điện thoại cho những người sử dụng ứng dụng thanh toán hoặc mua sắm trực tiếp. Khi người dùng cảm thấy phiền và tắt máy hoặc chuyển sang chế độ máy bay để không bị làm phiền tức là người đó đã rơi vào “bẫy” của những đối tượng lừa đảo.

Khi chắc chắn nạn nhân đã tắt máy, đối tượng lừa đảo gọi điện thoại lên tổng đài của ứng dụng bằng một số điện thoại khác và báo mất điện thoại hoặc báo quên mật khẩu, cần đổi sang điện thoại mới hoặc lấy lại mật khẩu.

Vì các ứng dụng này chỉ yêu cầu đọc đúng số căn cước và một số thông tin khác qua điện thoại, nên kẻ xấu có thể dễ dàng vượt qua bước này bằng những thông tin đã mua được trước đó.

Sau khi lấy được mật khẩu mới, kẻ xấu sẽ thành công truy cập vào tài khoản ứng dụng của nạn nhân và bắt đầu thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan công an khuyên cáo, khi gặp tình huống bị quấy rối bởi số lạ, người dùng đừng vội vàng tắt máy. Việc nên làm đầu tiên là gọi điện thoại đến số máy chăm sóc khách hàng của nhà mạng và báo cáo về sự việc liên tục nhận được các cuộc gọi rác, tin nhắn rác.

Ngoài ra, trong các hoạt động giao dịch trực tuyến, người dùng nên sử dụng hình thức bảo mật gắn với mã xác minh thời gian thực (mã OTP) và tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất cứ ai, trong hoàn cảnh nào.