Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Đây là thời điểm các đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ pháo nổ bắt đầu vào “làm ăn”, các quảng cáo mua bán pháo cũng đã lác đác xuất hiện trên mạng xã hội. “Dạo quanh” trên mạng xã hội bắt gặp không ít cá nhân đăng quảng cáo bán pháo hoa Bộ Quốc phòng và đều đảm bảo là hàng chính hãng. Những loại pháo hoa được quảng cáo phổ biến là giàn phun viên nhấp nháy 2024; Giàn phun viên 2024; Giàn phun viên loại đặc biệt 36 ống và giá đều được trao đổi “kín”, không công khai.
Hiện nay, hệ thống cửa hàng được phép kinh doanh pháo hoa của Bộ Quốc phòng đã có mặt tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, nguồn hàng vẫn chưa đủ đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng. Lợi dụng điều này, các mặt hàng pháo hoa này được rao bán tràn lan trên mạng xã hội với đủ mức giá nhưng chất lượng thì không biết ra sao.
Quảng cáo pháo hoa của Bộ Quốc phòng đăng tràn lan trên mạng xã hội |
Mặc dù sản phẩm được rao bán có thể là pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất nhưng việc mua đi, bán lại các sản phẩm này trên mạng xã hội lại là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 137/2020/NĐ-CP chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.
Người dân được mua và sử dụng pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất nhưng không được tự ý kinh doanh pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất. Theo quy định tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP cá nhân có hành vi rao bán pháo hoa Bộ Quốc phòng trên mạng xã hội và các sàn giao dịch điện tử sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm. Ngoài ra còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi bán pháo hoa trái phép.
Chỉ huy Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội CATP Hà Nội khẳng định, việc các cá nhân không có giấy phép kinh doanh thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok... để bán pháo hoa là hành vi vi phạm pháp luật, hoạt động mua bán tự do còn ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, việc tích trữ pháo hoa trái phép tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng chống cháy nổ.
CATP Hà Nội sẽ cùng các đơn vị liên quan nắm tình hình, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân mua bán trái phép pháo qua mạng xã hội. Đối với người dân, nếu có nhu cầu sử dụng pháo hoa của Bộ Quốc phòng cần đến trực tiếp các cửa hàng đã được Bộ Quốc phòng cấp phép để được bán đúng giá, đúng chất lượng và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Ngoài ra, khi phát hiện các trường hợp mua bán pháo hoa trái phép, bán cao hơn so với giá niêm yết; bán các loại pháo lậu, pháo cấm hãy thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Trước tình trạng sản xuất, chế tạo, mua bán, tàng trữ pháo nổ tràn làn như hiện nay, người dân nâng cao nhận thức, đồng thời quản lý giáo dục con em trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong đó có các quy định về quản lý, sử dụng pháo. Đối với các sản phẩm pháo hoa được phép sử dụng, người dân cần chú ý khi sử dụng phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự; sử dụng trong các trường hợp được phép, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng và chỉ mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.