Vết sưng và bầm tím dễ gặp ở các vùng da đặc biệt mỏng. Về nguyên nhân, phụ nữ có xu hướng hay bị thâm tím bất ngờ hơn nam giới bởi phụ nữ có lớp da mỏng hơn, lớp mô tinh tế hơn và họ hay thiếu tiểu cầu trong máu hơn. Cùng với quá trình lão hóa, các mô liên kết bảo vệ mạch máu suy yếu dần, do đó người có tuổi cũng dễ bị tổn thương dẫn đến bầm tím. Tiếp xúc nhiều với ánh nắng Mặt trời cũng có thể làm suy yếu các mô liên kết và sợi đàn hồi khác của da, làm tăng khả năng dễ bị tổn thương các biểu mô mạch máu, do đó, khu vực “nhạy cảm” trong lĩnh vực này là bàn tay và dưới cánh tay. Nguyên nhân cần chú ý khác chính là thuốc, các vết bầm tím có thể là tác dụng phụ của thuốc tránh thai, thuốc điều trị viêm khớp, thuốc lợi tiểu hoặc chất chống đông máu. Ngoài ra, người ta cũng dễ bị bầm tím nếu thường xuyên dùng aspirin thuốc gây rối loạn các chức năng của tiểu cầu hay steroid để điều trị phát ban, viêm da dị ứng hoặc hen phế quản…
Theo Giáo sư Yoo Jun-hyun, nếu vết bầm tím vừa xuất hiện, lập tức cho đá vào chiếc khăn ướt chườm vào đó trong 7 phút. Điều này ngăn máu không trào ra khỏi mạch máu, giảm cơ hội hình thành vết tím đen. 2 ngày sau, áp dụng chườm nóng lên vết đó, tác dụng là đẩy nhanh sự lưu thông máu để giúp làm sạch các tế bào máu đã lan ra khỏi các mô. Những người có mạch máu yếu nên bổ sung nhiều protein và vitamin C cũng như ăn nhiều trái cây và rau quả. Quan trọng lúc này là tránh hút thuốc, uống rượu để có chế độ dinh dưỡng cân bằng. Nếu thấy vết bầm tím hay xuất hiện khi dùng thuốc aspirin hay ibuprofen, có thể chuyển sang dòng tylenol.
Nếu trên người hay xuất hiện vết bầm tím bất ngờ, kèm theo thường xuyên chảy máu lợi hoặc chảy máu cam và nếu người đó không ăn uống tốt, nên nghi ngờ bệnh bạch cầu.
Cuối cùng, đối với phương pháp trị bệnh kiểu dân gian là lấy quả trứng chườm lên vết bầm tím, giải pháp này chưa được y khoa chứng minh là có hiệu quả.