Xử lý hình sự cá nhân câu trộm điện nhà hàng xóm từ 2 triệu đồng trở lên

ANTD.VN - Phạt đến 8 triệu đồng cá nhân tự ý lắp đặt, đóng, cắt, sửa chữa, di chuyển, thay thế các thiết bị điện, câu trộm điện nhà hàng xóm trên 2 triệu đồng có thể bị xử lý hình sự là các nội dung mới tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, điện lực…

Khoản 15 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP (sửa đổi Điều 12 Nghị định 134/2013) quy định mức phạt tiền với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức.

Cụ thể, phạt tiền từ 4-10 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp dưới 1 triệu đồng;

Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 1-dưới 2 triệu đồng.

Trường hợp trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2 triệu đồng trở lên được chuyển hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, 2, 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ra một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì:

Chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến người có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt tiền đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 1 - dưới 2 triệu đồng.

Trong khi đó, trước đây, khoản 9 Điều 12 Nghị định 134/2013 chỉ quy định mức phạt tiền hành vi trộm cắp điện dựa trên đơn vị kWh. Mức phạt tiền tối đa từ 45-50 triệu đồng áp dụng với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 18.000kWh đến dưới 20.000kWh. Nếu trộm cắp điện từ 20.000 kWh trở lên sẽ chuyển hồ sơ để truy cứu TNHS.

Như vậy, theo quy định mới, cá nhân có hành vi câu trộm điện nhà hàng xóm với giá trị sản lượng điện trên 2 triệu đồng đã có thể bị xử lý hình sự mà không căn cứ vào số lượng điện đã trộm cắp.

Ngoài ra, Nghị định 17/2022/NĐ-CP còn quy định tăng nhiều lần mức xử phạt với các hành vi vi phạm về sử dụng điện. Theo đó, phạt tiền từ 2-3 triệu đồng với hành vi cản trở người có thẩm quyền kiểm tra việc sử dụng điện.

Phạt từ 3-5 triệu đồng đối với các hành vi: Vô ý gây sự cố hệ thống điện của bên bán điện; Tự ý cấp điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Phạt từ 5-8 triệu đồng với hành vi tự ý lắp đặt, đóng, cắt, sửa chữa, di chuyển, thay thế các thiết bị điện và công trình điện của bên bán điện (trước đây, mức phạt với hành vi này chỉ từ 2-4 triệu đồng).

Đặc biệt, mức phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện chế độ sử dụng điện theo đúng mức yêu cầu của Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia trong trường hợp hệ thống bị hạn chế công suất; không có biện pháp đảm bảo tiêu chuẩn điện áp đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện;

Sử dụng trang thiết bị sử dụng điện, trang thiết bị đấu nối không đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để đấu nối vào lưới điện quốc gia; Không thực hiện cắt điện, giảm mức tiêu thụ điện khi có yêu cầu của bên bán điện do sự cố bất khả kháng… (trước đây, mức phạt với các hành vi này chỉ từ 20-30 triệu đồng).

Những mức xử phạt trên áp dụng với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm, mức xử phạt gấp 2 lần.