Xử lý hậu đào đường - cần mạnh tay hơn

(ANTĐ) - Mỗi năm Hà Nội đã phải dành khoản kinh phí rất lớn cho việc duy tu bảo dưỡng, đầu tư phát triển hệ thống đường sá, hè đường. Thế nhưng, nhiều tuyến đường đẹp vẫn bị xuống cấp mà nguyên nhân chủ yếu là do việc hoàn trả mặt đường thiếu trách nhiệm.

Xử lý hậu đào đường - cần mạnh tay hơn

(ANTĐ) - Mỗi năm Hà Nội đã phải dành khoản kinh phí rất lớn cho việc duy tu bảo dưỡng, đầu tư phát triển hệ thống đường sá, hè đường. Thế nhưng, nhiều tuyến đường đẹp vẫn bị xuống cấp mà nguyên nhân chủ yếu là do việc hoàn trả mặt đường thiếu trách nhiệm.

Theo thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2008, Hà Nội có thêm gần 100 tuyến phố bị đào bới, đường nội thành trung bình mỗi kilômét có hàng chục giấy phép đào đường. Điều đáng nói ở đây đó là việc hoàn trả sau khi đã bới lên rất kém đã khiến cho nhiều tuyến phố có mặt đường êm thuận trở nên nham nhở, hình thành “ổ gà, ổ voi”...

Đơn cử như tuyến Kim Mã đang bằng phẳng, “mịn màng” sau thời gian đào xới đến nay bắt đầu xuất hiện những vết xẹo chạy dọc cả tuyến. Hay như tuyến Nguyễn Chí Thanh, từng được coi là con đường đẹp nhất Việt Nam thì hiện đã bị biến dạng lồi lõm, mấp mô vì đào lên lấp xuống để thi công hệ thống cấp, thoát nước...

Việc đào đường hoàn trả không đạt yêu cầu xảy ra không chỉ riêng ngành cấp, thoát nước, mà các dự án hạ ngầm đường dây đi nổi cũng đang để lại di chứng. Theo đánh giá thì ngoại trừ khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm được triển khai khá đồng bộ, còn lại hầu hết các tuyến khác rất cẩu thả trong hoàn trả. Đơn cử, cũng ngay tại vỉa hè tuyến phố Kim Mã, sau khi cáp được hạ ngầm thì dưới vỉa hè, cứ cách vài chục số nhà lại nổi lên những bó ống nhựa... điều này gây mất an toàn cho người đi bộ, ảnh hưởng đến mỹ quan.

Lòng đường, vỉa hè nham nhở do bị đào lên, lấp xuống
Lòng đường, vỉa hè nham nhở do bị đào lên, lấp xuống

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, đã có những trường hợp chủ đầu tư sử dụng các đơn vị thi công chuyên ngành đảm trách khâu đào đường, đào hè để thực hiện các dự án hạ ngầm đường dây đi nổi, hệ thống cấp, thoát nước nhưng đến khâu hoàn trả mặt đường lại sử dụng những đơn vị không đúng chuyên môn thực hiện, sử dụng vật liệu không đảm bảo để lấp.

Ví dụ như, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (thuộc Tổng Công ty Vinaconex), chủ đầu tư dự án cải tạo và phát triển mạng tuyến ống cấp nước từ nguồn nước sông Đà khi thi công trên đường Kim Mã và Giang Văn Minh sử dụng loại vật liệu không bảo đảm để lấp đường. Kết quả là đường sá thêm xấu hơn.

Ngày 16-4 mới đây, Sở này đã phải gửi công văn tới Ban quản lý dự án hạ tầng đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội), Công ty TNHH Nhà nước một thành viên nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch, Công ty công phần Đầu tư xây dựng Hà Nội… nhắc nhở và yêu cầu các đơn vị này khẩn trương hoàn trả mặt đường theo đúng tiêu chuẩn kỹ thật, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Tình trạng “tiền trảm, hậu tấu” trong đào đường cũng thường diễn ra. Ngay cả dự án hạ ngầm các tuyến cáp và đường dây nổi trên 3 tuyến phố Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng; Nguyễn Thái Học - Kim Mã và Điện Biên Phủ đã được khởi công từ tháng 5-2009 nhưng đến nay Sở GTVT Hà Nội vẫn chưa cấp phép đào đường.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc chưa cấp phép là do trước đây, Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị hoàn trả đường không tốt sau khi đào lên. Chủ trương chung của thành phố là trừ những công trình đặc biệt, bất khả kháng như cống thoát nước to chống úng ngập cục bộ, hay ống cấp nước cỡ rất lớn thì mới cho đào đường.

Và cũng chỉ cho đào ở mép đường, sát với vỉa hè; còn lại mọi công trình khác đều chỉ được phép chôn dưới hè. Sở GTVT đã có văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội và sẽ chỉ xem xét cấp giấy phép khi chủ đầu tư phải hoàn trả mặt đường bằng đơn vị thi công có tay nghề.

Theo quy định, trước khi cấp phép đào đường, Sở GTVT Hà Nội sẽ cùng với chủ đầu tư đi khảo sát toàn bộ tuyến đường. Sau khi hoàn trả đường, việc kiểm tra chất lượng được giao cho các công ty cổ phần công trình giao thông quản lý địa bàn, ngoài ra chủ đầu tư có trách nhiệm bảo hành việc vá đường trong vòng 12 tháng...

Đấy là quy định trên giấy tờ, thực tế thời gian qua cho thấy, trong gói đấu thầu hạ ngầm đường dây đi nổi các chủ đầu tư kiêm luôn cả việc hoàn trả đường. Thế nhưng, nhiều đơn vị trong số này lại không chuyên về làm đường, phải thuê đơn vị khác làm nên xảy ra tình trạng vá víu qua loa, làm sụt đường, lồi lõm. Thêm nữa, việc đào đường  tại nhiều tuyến thường lặp đi, lặp lại bởi các đơn vị được cấp phép không thi công cùng một thời điểm, người làm trước vá đường xong, người làm sau lại đào lên...

Đường xấu cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, thậm chí gây ùn tắc do các phương tiện phải tránh. Chưa kể, đường xấu làm ảnh hưởng rất nhiều đến mỹ quan thành phố, tiếp theo là sự lãng phí tiền hàng năm thành phố dành cho việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa... Vì vậy rất cần có chế tài mạnh tay hơn trong việc xử lý và quan trọng hơn đó là trách nhiệm của các chủ đầu tư đối với thành phố Hà Nội.

Huệ Chi