Xốc lại niềm tự hào

ANTĐ - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và vai trò giảm sút, dịp kỷ niệm 60 năm Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị lên ngôi là  cơ hội hiếm có để nước Anh lấy lại hình ảnh và niềm tin.

Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị

Cả tuần này, nước Anh sống trong không khí của lễ hội. Điểm nhấn ấn tượng nhất là cuộc diễu hành trên sông Thames hôm 3-6 với sự tham gia của hơn 1.000 chiếc thuyền. Đây là sự kiện lớn nhất trong suốt 350 năm qua trên dòng sông này, mà theo Sách Kỷ lục thế giới Guinness, nó đã phá kỷ lục thế giới về số lượng thuyền tham gia diễu hành, bỏ xa kỷ lục cũ (327 chiếc) được lập năm 2011 ở Bremerhaven, Đức.

Chưa dừng lại ở đó, hơn 10.000 bữa tiệc đường phố được tổ chức để gia đình và cộng đồng ngày càng gắn bó đoàn kết. Phố xá được trang hoàng lộng lẫy với cờ và hoa, mọi người náo nức tham dự các sự kiện ở Thủ đô London dưới trời mưa và lạnh giá, hàng triệu trái tim trên khắp đất nước cùng hòa nhịp.... Tất cả đã nói lên tinh thần Anh trong Đại lễ Kim cương kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị.

Nếu xét từ góc độ quyền lực chính trị, vai trò của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị không phải lớn. Dù được coi là Nữ hoàng của 16 quốc gia độc lập thuộc Khối thịnh vượng chung Anh, Lãnh đạo tối cao giáo hội Anh, Công tước xứ Normandy, Thủ lĩnh tối cao xứ Fiji… nhưng trên thực tế, Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị hiếm khi can dự vào các vấn đề chính trị, mà chỉ đóng vai trò như biểu tượng của đất nước.

Thế nhưng những gì mà Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị đem lại cho nước Anh lại không hề nhỏ, nhất là về mặt kinh tế. Trong số khách du lịch tới thăm vương quốc Anh năm ngoái, khoảng 400 nghìn người đã tới thăm cung điện Buckingham, đem về 41,7 triệu bảng. Còn nghiên cứu của VisitBritain cho biết, sức tò mò với Hoàng gia Anh đã đem về cho nước Anh khoảng 500 triệu bảng, trong số 4,6 tỷ bảng mà khách du lịch nước ngoài chi tiêu tại Anh trong năm 2009. 

Trong khi đó, nước Anh hiện đang khá khó khăn. Số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế nằm ngoài Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này đã suy giảm 0,3% trong quý 1 vừa qua. Ba tháng cuối năm 2011, nền kinh tế xứ sở Sương mù cũng suy giảm 0,3%. Chi tiêu gia đình bị tác động mạnh bởi lạm phát cao, tốc độ tăng lương chậm và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt là những “tin dữ” đối với các nhà hoạch định chính sách Vương quốc Anh, cho thấy nền kinh tế nước này đang rơi vào suy thoái tồi tệ hơn bao giờ hết. 

Vai trò của nước Anh ở châu Âu cũng đang suy giảm. Nếu như châu Âu được coi là lục địa già cỗi, thì nước Anh chính là một trong những nơi già cỗi nhất. Ảnh hưởng của Anh ở châu Âu đang bị hai cường quốc châu lục là Đức và Pháp cạnh tranh quyết liệt. Nhiều nhà phân tích còn nhìn lại lịch sử để khẳng định rằng, trong hai thế kỷ nay, tầm ảnh hưởng và hình ảnh của Anh luôn theo chiều hướng đi xuống.

Chính vì thế, tính kiên định, thái độ luôn tận tâm và uy tín luôn được tôn trọng của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị là điều mà chính giới Anh muốn tận dụng để khơi lại truyền thống tốt đẹp của xứ sở sương mù.