Xét xử vụ Tân Hoàng Minh: Bị hại có đơn xin giảm án cho bị cáo có được coi là tình tiết giảm nhẹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước khi vụ Tân Hoàng Minh được đưa ra xét xử, đã có 1200 nhà đầu tư là bị hại trong vụ án có đơn xin giảm án cho các bị cáo. Vậy, đây có được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

TAND Thành phố Hà Nội đang xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Trước khi diễn ra phiên tòa, cơ quan tố tụng đã nhận được đơn của hơn 1200 nhà đầu tư là những bị hại trong vụ án đề nghị tòa án, VKS xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, với lý do toàn bộ các bị cáo đều đã hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi sai phạm, có nhân thân tốt.

Các bị cáo vụ Tân Hoàng Minh tại phiên tòa

Các bị cáo vụ Tân Hoàng Minh tại phiên tòa

Phân tích sự việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo quy định, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là tình tiết làm cho mức độ nguy hiểm của trường hợp phạm tội cụ thể giảm đi, là một trong những căn cứ quan trọng để Tòa án quyết định hình phạt cụ thể đối với người phạm tội. Tình tiết giảm nhẹ tại từng vụ án rất đa dạng.

Mặt khác, Khoản 1 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 nêu rõ, bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của mình; Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;

Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa; Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án; Các quyền khác theo quy định của pháp luật….

Như vậy, theo quy định trên bị hại có quyền “đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường”, nghĩa là họ được đề nghị Tòa án xem xét áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hoặc đề nghị mức hình phạt phù hợp quy định pháp luật đối với các bị cáo.

Bên cạnh đó, theo Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, “Tòa án có thể coi đầu thú và các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ và phải nêu rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”.

“Các tình tiết khác” có thể là một trong các tình tiết như người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;

Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sỹ nhân dân…;

Thiệt hại do lỗi của người thứ ba; Người bị hại cũng có lỗi; Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo…

Như vậy, người bị hại hoàn toàn có thể xin giảm nhẹ tội cho bị cáo và có thể được Tòa án công nhận là một trong những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Tuy nhiên, khi quyết định mức hình phạt, Tòa án sẽ đánh giá một cách tổng thể từ hành vi, tính chất, mức độ, hậu quả, nhân thân, hoàn cảnh, điều kiện phạm tội để làm căn cứ xem xét các tình tiết tặng nặng, giảm nhẹ - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.