Xét xử vụ Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm: Làm từ thiện nhiều có phải tình tiết giảm nhẹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay (21-9), TAND TP. HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Phương Hằng cùng 4 đồng phạm. Vậy, theo quy định, cá nhân đã từng làm từ thiện nhiều có được xem xét giảm nhẹ tội?

Sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, bị cáo Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) cùng 4 đồng phạm là Đặng Anh Quân, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân bị đưa ra xét xử về Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 BLHS 2015 sửa đổi.

Được biết, trước khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị cáo Nguyễn Phương Hằng đã thành lập quỹ từ thiện, tài trợ khá nhiều tiền để giúp đỡ cộng đồng. Vậy, làm từ thiện nhiều có được xem là tình tiết giảm nhẹ tội?

Bị can Nguyễn Phương Hằng tại thời điểm bị bắt

Bị can Nguyễn Phương Hằng tại thời điểm bị bắt

Điều 51 BLHS 2015 sửa đổi quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự gồm: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra; Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

Người phạm tội tự thú; Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

Người phạm tội đã lập công chuộc tội; Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác…

Như vậy, trong số các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có một tình tiết liên quan đến việc làm từ thiện nhiều, đó là “người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu học tập hoặc công tác” - luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Tại Mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP quy định, người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen…

Còn theo khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP, một trong các điều kiện để người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể được rút ngắn thời gian thử thách là lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc... được cơ quan cấp tỉnh trở lên khen thưởng.

Như vậy, trường hợp người làm từ thiện nhiều mà có huân chương, bằng khen,… thì có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Song, nếu một số cá nhân cố tình thực hiện các hoạt động xã hội từ thiện nhằm mục đích phô trương thanh thế, đánh bóng tên tuổi… thì sẽ không được xem xét giảm án.

Bởi, khi xét xử một vụ án hình sự, Tòa án sẽ căn cứ vào nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự… để quyết định hình phạt. Nếu bị cáo có một tình tiết giảm nhẹ nhưng lại có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc tính chất mức độ của hành vi vi phạm là đặc biệt nghiêm trọng thì vẫn phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật, luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.