Xét xử vụ “chuyến bay giải cứu”: Giám đốc nghẹn ngào nói đã đẩy vợ vào… lao lý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sáng 20-7, ngày xét xử thứ 8 phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” tiếp tục phần tranh luận của các luật sư và bị cáo tự bào chữa. Đáng chú ý là trường hợp vợ chồng bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh và Vũ Thùy Dương.

Hoàn toàn lệ thuộc vào chồng

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh là Giám đốc Công ty Hoàng Long Luxury. Bị cáo này thành lập Công ty CP Du lịch Lữ hành Việt (Công ty Lữ hành Việt) giao cho Vũ Thùy Dương (vợ không đăng ký kết hôn của bị cáo Mạnh) đứng tên làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật.

Trong giai đoạn dịch bệnh, Công ty Lữ hành Việt chuẩn bị hồ sơ gửi Văn phòng Chính phủ và công văn gửi các hãng hàng không xin tiếp tục tổ chức các chuyến bay nhưng không được chấp thuận.

Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh.

Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh.

Khoảng tháng 1-2021, Nguyễn Tiến Mạnh bàn bạc với Hoàng Anh Kiếm để Công ty Lữ Hành Việt được Chính phủ cấp phép thực hiện chuyến bay. Kiếm sẽ giúp xin cấp phép chuyến bay và được chia lợi nhuận. Sau đó, Nguyễn Tiến Mạnh đã chỉ đạo Vũ Thùy Dương đưa tiền cho Kiếm để Kiếm đưa hối lộ các cá nhân có thẩm quyền.

Thấy Kiếm chi tiền quá lớn nên giai đoạn sau, tự Mạnh đưa xin cấp phép và chỉ đạo Dương chuyển tiền hối lộ… Cáo trạng xác định, bị cáo Mạnh đưa hối lộ 27,8 tỉ đồng, bị đề nghị mức án 7-8 năm tù; bị cáo Dương đưa hối lộ 24 tỉ đồng tỉ đồng, bị đề nghị mức án 2-3 năm tù.

Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Mạnh nói rằng trước tình hình dịch bệnh, hoàn cảnh nhiều người khó khăn, bị cáo có danh sách gần 1.000 công dân xin về, bị cáo đã chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ từ chọn khách sạn, ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn…

Nhưng hồ sơ của công ty không được duyệt nên bị cáo Mạnh nói 'rất thất vọng' nhưng không thể trả lời khách như vậy được. 'Vì thế, bị cáo quyết tâm cố gắng xin bằng được chuyến bay… (nói đến đây, bị cáo bật khóc).

Suốt quá trình cấp phép chuyến bay, bị cáo chỉ mong muốn có được việc làm, có được chuyến bay để đưa công dân về nước. Khi công bố Kết luận điều tra, bị cáo mới biết Kiếm dùng tiền bị cáo đưa đi hối lộ. “Bị cáo xin thành khẩn nhận tội và xin được công minh, công tâm xem xét động cơ mục đích hành vi'- bị cáo Mạnh nói.

Trình bày về hoàn cảnh, Nguyễn Tiến Manh nói bị cáo Vũ Thùy Dương là vợ bị cáo, hoàn toàn lệ thuộc vào bị cáo cả về tiền bạc, công việc, tình cảm. “Có thể nói bị cáo đã sai khiến bị cáo Dương, làm theo sự chỉ đạo của bị cáo. Bị cáo Dương lệ thuộc hoàn toàn về công việc, tài chính, tình cảm vào bị cáo” - bị cáo Mạnh nhận trách nhiệm.

“Khi dịch bệnh, bị cáo Dương đang nuôi con nhỏ một tuổi, chính bị cáo đẩy vợ bị cáo, dù là vô tình vào con đường phạm tội” - bị cáo Mạnh nói. Vì thế, bị cáo Mạnh xin HĐXX xem xét nhân văn, nhân đạo rộng lượng với gia đình bị cáo và cho vợ bị cáo này ở ngoài xã hội để làm nghĩa vụ người mẹ, người làm con.

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Vũ Thùy Dương không nói gì thêm và hoàn toàn đồng ý với ý kiến luật sư bào chữa.

Luật sư Nguyễn Khánh Toàn, bào chữa cho bị cáo Dương và bị cáo Mạnh tại phiên tòa này. Về bị cáo Mạnh, luật sư cho rằng mức án với bị cáo Mạnh là quá nặng xét nguyên nhân, động cơ phạm tội, mức độ nguy hiểm của hành vi…

Theo luật sư, bị cáo chỉ có mục đích đưa người hồi hương chống dịch, đưa 32 chuyến bay đưa gần 8.000 công dân về nước, tạo việc làm khi khó khăn. Số tiền bị cáo đưa tiền cho Kiếm đều được tính thành tiền đưa hối lộ là quá nặng nề, thiệt thòi đối với bị cáo. Trong vụ án, một phần bị cáo bị ép đưa tiền, một phần mang tính chất cảm ơn.

Về bị cáo Dương, luật sư không có ý kiến về tội danh mà các bị cáo bị truy tố, luận tội. Tuy nhiên, luật sư đề nghị áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Dương phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, các con còn nhỏ, chồng bị cáo cũng bị xét xử trong vụ án này, bị cáo phải chăm sóc nuôi dưỡng các cháu.

Luật sư cũng đề nghị xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ và cân nhắc mức án cho bị cáo Mạnh, đồng thời cho bị cáo Dương được cải tạo ở ngoài xã hội.

Đưa hối lộ trong bối cảnh rất đặc biệt

Toàn cảnh phiên tòa vụ "chuyến bay giải cứu".

Toàn cảnh phiên tòa vụ "chuyến bay giải cứu".

Tại phiên tòa, Luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty An Bình) cho biết, doanh nghiệp của bị cáo Mơ đã lúng túng khi triển khai các “chuyến bay giải cứu”. Khi đó, trong tình hình dịch bệnh khó khăn, các chuyến bay mà Công ty An Bình và Hoàng Diệu Mơ tổ chức đã đưa công dân về nơi cách ly an toàn.

Nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo Mơ nói riêng và các bị cáo phạm tội “Đưa hối lộ nói chung” phải đứng trước phiên tòa một phần là không có quy định cụ thể, rõ ràng đối với cơ quan, cá nhân cấp phép chuyến bay nên dẫn đến cơ chế xin cho. Ngoài ra, khi cơ quan chức năng không cấp phép cũng không có chế tài điều chỉnh.

Theo luật sư, đó là sự nỗ lực rất lớn. Từ đó vị luật sư đề nghị Viện kiểm sát và HĐXX áp dụng thêm tình tiết giảm nhe với Hoàng Diệu Mơ bởi hiện nay bà Mơ đang phải điều trị bệnh.

Ngoài ra, luật sư mong HĐXX tạo điều kiện cho bị cáo Mơ được ủy quyền cho người nhà để thực hiện các giao dịch dân sự của công ty.

Luật sư của bị cáo Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ phòng vé hàng không Minh Ngọc) cho biết, với thực thế khó khăn của tình hình COVID-19 lúc bấy giờ, khi Chính phủ cho thực hiện chuyến bay combo thì doanh nghiệp như “trời hạn gặp cơn mưa rào”.

Theo luật sư, đa số những người đưa hối lộ đều không muốn phải đưa tiền, đây là việc bất khả kháng và do có quá nhiều cơ quan được tham gia vào việc tổ chức chuyến bay.

Trong đó, bị cáo Hồng từng nộp 4 bộ hồ sơ lên Văn phòng chính phủ nhưng không được phê duyệt, nộp 3 bộ hồ nộp ở Tổ 5 Bộ nhưng cũng không được nhận. Và rồi, phải “nghe đâu đấy” để ngày hôm nay phải đứng trước phiên tòa này. Luật sư cũng mong Viện kiểm sát, HĐXX đánh giá mức độ, đặc biệt xem xét đến tình tiết “bị cáo tự thú” vì bị cáo này đưa hối lộ trong bối cảnh rất đặc biệt.

Trong vụ án này, Võ Thị Hồng bị xác định đưa hối lộ 21 lần, tổng số hơn 10,9 tỉ đồng và Hoàng Diệu Mơ bị xác định đưa hối lộ 41 lần với tổng số 34,6 tỉ đồng.