Xét xử người chưa thành niên sẽ không còng tay, thẩm phán mặc trang phục hành chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, khi xét xử vụ án hình sự do người chưa thành niên phạm tội sẽ sử dụng phòng xử án thân thiện, không còng tay, thẩm phán mặc trang phục hành chính...
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình tại Quốc hội

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình tại Quốc hội

Chiều nay, 6-6, Quốc hội nghe Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TAND TC) Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Tờ trình nêu rõ sự cần thiết phải xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo luật gồm 173 điều được bố cục thành 05 phần, 11 chương. Luật này điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự.

Đáng chú ý, Chánh án TAND TC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, dự thảo luật đã quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự.

Cụ thể gồm: Bảo đảm lợi ích tốt nhất; Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; Đối xử bình đẳng; Quyền được thông tin đầy đủ; Bảo đảm quyền có người đại diện; Giải quyết nhanh chóng, kịp thời; Ưu tiên áp dụng xử lý chuyển hướng; Xử lý chuyên biệt; Bảo đảm giữ bí mật cá nhân;

Đặc biệt là Quyền bào chữa, trợ giúp pháp lý, phiên dịch; Hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; Chuyên môn hóa trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên;

Cùng đó, bảo đảm và tôn trọng quyền tham gia, trình bày ý kiến; Bảo đảm hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; Bảo đảm việc thi hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và thi hành án phạt tù phù hợp với người chưa thành niên; Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

Dự thảo luật cũng quy định rõ 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, như: Khiển trách; Xin lỗi bị hại; Bồi thường thiệt hại; Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; Hạn chế khung giờ đi lại...

Chánh án TAND TC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự và quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm trật tự xã hội, an toàn cho cộng đồng.

Đồng thời, quy định việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng linh hoạt, phù hợp với từng người chưa thành niên; khuyến khích người chưa thành niên chấp hành tốt để được rút ngắn thời gian xử lý chuyển hướng trước thời hạn; đổi mới trình tự, thủ tục xử lý chuyển hướng theo hướng nhanh chóng, kịp thời...

Một điểm đáng chú ý nữa tại dự thảo luật này là hoàn thiện các quy định về thủ tục xét xử thân thiện. Theo đó, vụ án hình sự do Tòa gia đình và người chưa thành niên hoặc do Thẩm phán chuyên trách xét xử; xét xử vụ án trong phòng xử án thân thiện; khi xét xử không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác; Thẩm phán mặc trang phục hành chính...

Về hình phạt, dự thảo Luật quy định giữ nguyên hệ thống hình phạt hiện hành. Không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên Giảm mức hình phạt tù đối với người chưa thành niên theo từng trường hợp cụ thể. Bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo;

Giảm thời gian thử thách khi được hưởng án treo xuống không quá 3 năm; Mở rộng đối tượng người chưa thành niên có thể bị phạt tiền và mức tiền phạt không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.