Xe sang, vàng miếng của 'Mr Pips' Phó Đức Nam bị thu giữ sẽ được xử lý ra sao?

ANTD.VN - Sau khi vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia do Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ thực hiện bị triệt phá, nhiều người đặt câu hỏi, những chiếc xe sang và khối tài sản 'khủng' bị thu giữ sẽ được xử lý thế nào?

Phó Đức Nam nổi danh trên mạng xã hội với tên gọi "Mr Pips", còn Lê Khắc Ngọ có biệt danh là "Mr Hunter". Hiện Cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội đã ra các Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Không tố giác tội phạm”, “Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”; đồng thời khởi tố bị can đối với 31 đối tượng.

Trong vụ việc trên, Công an Thành phố đã xác định được 2.661 bị hại trên toàn quốc; đã thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỷ đồng.

Phó Đức Nam nổi danh trên mạng xã hội với tên gọi 'Mr Pips'

Trong đó, có 316 tỷ đồng trong tài khoản, trái phiếu trị giá 9 tỷ đồng, sổ tiết kiệm trị giá hơn 200 tỷ đồng; 69 tỷ đồng tiền VNĐ, 2,3 triệu USD; 890 miếng vàng SJC; 246 kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe, 7 xe mô tô hạng sang; 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng, trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 84 trang sức các loại bằng vàng, khảm kim cương...

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc cơ quan công an khởi tố Phó Đức Nam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hoàn toàn có cơ sở.

Điều 174 BLHS 2015 quy định, người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự. Trường hợp số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi phạm tội có thể đối diện mức án từ 12-20 năm tù hoặc tù chung thân.

Trong vụ án này, số tiền các bị hại đã nạp là khoảng hơn 50 triệu USD và đây chưa phải con số cuối cùng. Do đó, Mr Pips Phó Đức Nam có thể bị áp dụng khung hình phạt theo khoản 4 Điều 174 BLHS 2015.

Dàn siêu xe đang bị cơ quan Công an niêm phong, tạm giữ

Nếu đối tượng này hợp tác với cơ quan điều tra, chủ động, tích cực khắc phục, bồi thường phần lớn thiệt hại cho các bị hại và có các tình tiết giảm nhẹ khác thì có thể được xem xét áp dụng mức phạt dưới khung.

Về tài sản đã bị thu giữ trong vụ việc trên như dàn xe sang, vàng miếng, đồng hồ, đồ trang sức…, luật sư Lê Hồng Vân nhận định, trong quá trình điều tra, cơ quan công an làm rõ các tài sản do phạm tội mà có, vật chứng của vụ án để niêm phong, kê biên để xử lý theo quy định.

Theo Điều 89 Bộ luật TTHS 2015, “vật chứng” là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 106 Bộ luật này cũng quy định, vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

Khi thu giữ xe sang, vàng miếng, đồng hồ…của bị can trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ bảo quản, quản lý và xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng những chiếc xe này xem chúng có liên quan đến tội phạm hay không.

Nếu kết quả điều tra cho thấy, những tài sản này không liên quan đến tội phạm, không phải nguồn gốc do phạm tội mà có, không được sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội và không phải tài sản thuộc sở hữu của bị can thì sẽ trả lại cho chủ sở hữu - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.

Còn nếu chúng là tài sản có được do hành vi phạm tội thì việc xử lý sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Theo đó, những người có thẩm quyền thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng tại các giai đoạn nhất định (điều tra, truy tố, xét xử) sẽ đánh giá và ra quyết định xử lý vật chứng.