Xe buýt Hà Nội kiến nghị lùi thời gian lắp camera giám sát hành trình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các doanh nghiệp vận tải nói chung, vận tải hành khách công cộng nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Sản lượng hành khách sụt giảm, lượt xe giảm, doanh thu giảm trong khi vẫn phải duy trì nhiều hoạt động.

Hiệp hội vận tải công cộng Hà Nội (HAPTA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành liên quan như GTVT, Công an và UBND TP Hà Nội kiến nghị giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP Hà Nội bị ảnh hưởng bời dịch bệnh Covid – 19.

Theo đó, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HAPTA cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và đang diễn biến vô cùng thức tạp đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội.

Các doanh nghiệp vận tải nói chung, vận tải hành khách công cộng nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Sản lượng hành khách đi xe buýt sụt giảm, lượt xe giảm, doanh thu giảm, trong khi vẫn phải duy trì nhiều hoạt động.

Xe buýt Hà Nội xin được lùi thời hạn lắp đặt camera giám sát hành trình do khó khăn

Xe buýt Hà Nội xin được lùi thời hạn lắp đặt camera giám sát hành trình do khó khăn

Do vậy, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp VTHKCC, HAPTA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp như giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, cho phép các đơn vị VTHKCC được ngừng đóng (không phải đóng) Bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021, cùng với đó là miễn phí sử dụng đường bộ hết năm 2021.

Đặc biệt, HAPTA kiến nghị Chính phủ gia hạn thời gian thực hiện lắp camera giám sát hành trình trên các phương tiện, để bộ GTVT chuẩn bị kỹ hơn về tiêu chuẩn, thời điểm thực hiện cho khả thi.

Đại diện HAPTA cho rằng, việc trang bị, lắp camera giám sát hành trình nhiều doanh nghiệp vận tải đã chủ động tự đầu tư, trang bị, nay nếu phải thay đổi sẽ rất lãng phí, nhất là 2 năm gần đây, dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp muôn phần khó khăn.

Do vậy, đề nghị Bộ GTVT cần xây dựng các quy chuẩn về tiêu chuẩn kỹ thuật, ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện lắp đặt camera giám sát hành trình, lúc đó mới nên tham mưu với Chính phủ về thời hạn thực hiện.

Theo tính toán của HAPTA, chi phí để lắp đặt camera giám sát trên xe buýt khá đắt đó, dao động từ 7-14 triệu đồng/xe. Cùng với đó phí duy trì hàng tháng là 500.000 đồng/camera. Toàn bộ số tiền này doanh nghiệp vận tải phải chịu, việc này gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp VTKCC trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn.

Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, tổng số phương tiện dự kiến phải lắp camera khoảng 170.000 xe (100.000 xe khách, 70.000 xe container và đầu kéo), số lượng camera dự kiến lắp trên xe bình quân là 2 chiếc/xe.

Trước đó, trong văn bản kiến nghị Chính phủ, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đề xuất lùi thời hạn lắp camera giám sát hành trình đối với các phương tiện kinh doanh vận tải.

Cụ thể, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” của Chính phủ đối với các hành vi vi phạm hành chính về lắp camera theo quy định tại Nghị định số 10 và Thông tư số 12 đến ngày 31/12/2022.

Tuy nhiên, trả lời về việc này, Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đều đã dứt khoát từ chối lùi thời hạn lắp đặt camera giám sát.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo quy định tại Nghị định 10/2020 của Chính phủ, quy định lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo là điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm mục tiêu giám sát hành vi của người lái xe, giám sát tình hình an ninh, trật tự trên xe và bảo đảm ATGT. Các doanh nghiệp phải thực thiện đúng theo Nghị định 10/2020 của Chính phủ.