Xây chắc "lá chắn thép" chống "giặc" Covid-19

ANTD.VN - Quyết định về việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ đã củng cố vững chắc thêm tấm “lá chắn thép” mà đất nước và nhân dân ta đã dày công xây đắp suốt mấy tháng qua nhằm chống “giặc” Covid-19.

Xây chắc "lá chắn thép" chống "giặc" Covid-19 ảnh 1

Cần tiếp tục xây chắc tấm “lá chắn thép” thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19

Hiệu quả của tấm “lá chắn thép” chống Covid-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 15-4 đã quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Theo đó việc giãn cách xã hội được thực hiện theo các nhóm địa phương khác nhau, trong đó Hà Nội cùng 11 tỉnh, thành phố khác thuộc nhóm “nguy cơ cao” sẽ tiếp tục thực hiện “cách ly xã hội” thêm 1 tuần, từ ngày 16 đến hết ngày 22-4.

Các tỉnh, thành phố khác trong cả nước căn cứ theo hai mức độ thấp hơn là “có nguy cơ” và “nguy cơ thấp” để thực hiện việc giãn cách xã hội một cách phù hợp. Song dù mức độ nào thì tất cả các địa phương đều phải bắt buộc thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu như: Đeo khẩu trang, không tập trung đông người, giữ khoảng cách, bảo đảm vệ sinh dịch tễ… Một số loại hình dịch vụ kinh doanh, vui chơi giải trí chưa được phép hoạt động.

Chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện giãn cách xã hội đã xây đắp, củng cố vững chắc thêm bức tường thành của cả đất nước ta nhằm phòng chống đại dịch Covid-19. “Cách ly xã hội” dù phải hy sinh nhiều lợi ích kinh tế, song đã chứng tỏ là thứ “vũ khí” hiệu quả, uy lực nhất của đất nước ta chống lại “giặc” Covid-19 hung tàn đang hoành hành dữ dội khắp nơi trên thế giới.

Do nằm liền kề với quốc gia tâm dịch Trung Quốc với đường biên giới trên bộ dài hàng nghìn km với vô số đường mòn, lối mở cùng các tuyến vận tải đường bộ, đường không, đường thủy nhộn nhịp, nước ta là một trong những quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tiên phát hiện các ca mắc Covid-19, là những người trở về từ “tâm của tâm dịch” - thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay từ khi chưa xuất hiện một ca bệnh Covid-19 tại nước ta, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và người dân đã vào cuộc để cùng ra trận với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”. Chúng ta đã triển khai hàng loạt biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt “đi trước” và liên tục được “nâng cấp” để ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Khi xuất hiện những ca bệnh Covid-19 tại nước ta vào cuối tháng 1-2020, rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực cũng như trên thế giới còn chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nhiễm bệnh nào. Qua 3 tháng nhìn lại tình hình dịch Covid-19 trong nước và thế giới mới thấy chúng ra đã kiên cường và hiệu quả thế nào trong phòng chống dịch bệnh.

Tính tới cuối ngày 15-4, số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 2 triệu trường hợp với hơn 127 nghìn trường hợp tử vong. Trong đó, nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ vào thời điểm này 3 tháng trước chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 hoặc số ca mắc cũng tương đương nước ta song nay đã có tới hàng trăm nghìn bệnh nhân, hàng chục nghìn người tử vong cho dù nằm rất xa tâm dịch Trung Quốc.

Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia chưa ghi nhận hoặc có rất ít trường hợp mắc bệnh tại thời điểm cách đây 3 tháng. Tuy nhiên, hiện 3 quốc gia Philippines, Indonesia và Malaysia đến nay đã có số ca mắc Covid-19 vượt mốc 5 nghìn trường hợp với tổng số hơn 500 người tử vong.

Nhìn thế để thấy rằng, chúng ta cho tới lúc này đã kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ra sao khi mới ghi nhận 267 trường hợp bệnh nhân Covid-19 và đặc biệt là chưa có trường hợp nào tử vong. Việt Nam hiện là 1 trong số 3 quốc gia và vùng lãnh thổ có trên 200 bệnh nhân Covid-19 nhưng chưa có trường hợp nào tử vong.

Quyết chiến cho tới khi đẩy lùi và đánh bại “giặc” Covid-19

Có nhiều nguyên nhân, biện pháp giúp chúng ta ứng phó với dịch bệnh Covid-19, song nhân tố then chốt mang tính chất quyết định là việc thực hiện “cách ly xã hội”. Tấm “lá chắn thép” này đã được chúng ta dựng lên khi tiến hành phong tỏa, cách ly triệt để “ổ dịch” Covid-19 đầu tiên của cả nước ở thôn Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Với phương châm “phát hiện, ngăn chặn, khoanh vùng, dập dịch”, chúng ta đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và dập ngay các ổ dịch rất phức tạp như quán bar Buddha ở TP.HCM, Bệnh viện Bạch Mai, không để dịch lây lan ra diện rộng. Đặc biệt, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 với biện pháp cốt lõi là cách ly xã hội chính là tấm “lá chắn thép” vững chắc của cả nước để ngăn chặn “giặc” Covid-19.

“Thành trì” cách ly xã hội đã giúp chúng ta đẩy lùi các cuộc tấn công của “quân giặc” Covid-19, kìm giữ sự gia tăng của các ca bệnh ở mức thấp nhất có thể trong bối cảnh xuất hiện nhiều ổ dịch nguy hiểm, phức tạp. Trong 14 ngày vừa qua kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về thực hiện cách ly xã hội, 3 ngày đầu tiên (từ 1 đến 3-4) ghi nhận 30 trường hợp mắc mới, sau đó chỉ ghi nhận số mắc mới trong khoảng từ 1-5 trường hợp mỗi ngày. 

Đáng lưu ý, ghi nhận ổ dịch mới tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội với 12 trường hợp mắc, trong đó 2 trường hợp được phát hiện trong khu vực khoanh vùng, cách ly tại thôn Hạ Lôi. Dự báo trong những ngày tới có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới tại cộng đồng, đặc biệt tại một số tỉnh có nguy cơ cao, thuộc khu vực đô thị có mật độ dân cư đông.

Những ngày qua đã có những ý kiến khác nhau về việc có tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội sau thời điểm ngày 15-4 theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số các ý kiến đều khẳng định việc thực hiện cách ly xã hội trong thời gian qua là cần thiết và đã phát huy hiệu quả cao trong công tác phòng dịch, được sự đồng thuận nhất trí cao của mọi tầng lớp nhân dân và đề nghị tiếp tục thực hiện cách ly xã hội nhưng xem xét điều chỉnh ở mức độ phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương cũng như yêu cầu của công tác phòng chống dịch bảo đảm thực tốt cả hai nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Với diễn biến còn rất phức tạp và khó lường của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng như ở trong nước, đòi hỏi chúng ra dù đang kiểm soát tốt dịch bệnh cũng không thể một chút lơ là, mất cảnh giác, chủ quan. Cuộc chiến chống dịch còn hết sức gay go, quyết liệt, chỉ cần một chút lơ lờ, mất cảnh giác, không củng cố tấm “lá chắn thép” chống “giặc” Covid-19, chúng ta có thể phải trả giá đắt, bao công sức mà chúng ra dày công vun đắp bấy lâu nay có thể bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã khiến một bộ phận người dân lơi lỏng, chủ quan, có dấu hiệu ra đường không vì các công việc thực sự cần thiết theo Chỉ thị 16. Trong khi đó, việc còn những ổ dịch nguy hiểm như Hạ Lôi, các ca bệnh mới là công nhân Công ty Samsung ở Bắc Ninh, ca bệnh mới ở Thường Tín, Hà Nội… cũng như nhiều ca bệnh Covid-19 hiện chưa xác định được trường hợp F0 cho thấy dịch bệnh tại nước ra vẫn rất phức tạp, khó lường.

Vì thế, không ngừng củng cố ngày càng vững chắc, chặt chẽ tấm “lá chắn thép” sẽ tiếp tục là thứ “vũ khí” quan trọng bậc nhất để chúng ta chiến đấu với “giặc” Covid-19 cho tới khi đẩy lùi và đánh bại chúng.