Xăng dầu giảm giá liên tiếp, hàng hóa chỉ lặng im

ANTĐ - Từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng dầu đã giảm liên tiếp 3 lần. Tính từ tháng 10-2015, xăng dầu đã giảm giá tổng cộng 9 lần. Tuy nhiên, lợi ích của việc giảm giá xăng dầu trong nước đến sản xuất, kinh doanh còn khá mờ nhạt.

Xăng dầu giảm giá liên tiếp, hàng hóa chỉ lặng im ảnh 1 Hiệu ứng giảm giá xăng dầu chưa rõ nét

Vận tải phớt lờ

Theo con số được công bố hàng tháng, chỉ số giá của nhóm giao thông gần đây liên tiếp giảm do tác động của việc giảm giá xăng dầu, kéo theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp. Đây được coi là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế, cảm nhận của người dân về hiệu ứng này lại chưa rõ nét.

Bà Nguyễn Thị Cát (quê Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết, cả năm nay, cước vận tải hành khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng vẫn giữ ở mức 150.000 đồng/2 lượt. “Dù giá xăng có giảm nhưng mức giá trên vẫn không thay đổi. Các hãng xe chạy tuyến này rất nhiều nhưng giá đều sàn sàn như nhau. Tiền “xe ôm” từ bến xe Mỹ Đình đến nhà con gái tôi ở Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn “đứng yên” ở mức 40.000 đồng/lượt cho khoảng 4km”. Theo bà Cát, khi một số hãng xe chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng đang chuyển sang chạy trên đường cao tốc mới khánh thành, thời gian di chuyển rút ngắn lại nhưng cước phí sẽ tăng cao.

Tương tự, vài năm trở lại đây, cước vận tải xe khách tuyến Gia Lâm (Hà Nội) - Bố Hạ (Bắc Giang) vẫn ở mức 40.000 đồng/lượt; Bố Hạ - Yên Nghĩa (Hà Đông - Hà Nội) vẫn 50.000 đồng/lượt. Vé xe khách của các công ty vận tải lớn trên các tuyến này vẫn giữ ổn định mặc cho giá xăng dầu giảm.

Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy - Viện Nghiên cứu kinh tế, tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, vận tải hàng hóa và vận tải hành khách đều không giảm cước tương ứng với mức giảm giá xăng trong thời gian vừa qua. Điển hình là trong dịp Tết Nguyên đán, tình trạng làm ăn chộp giật, “chặt chém” hành khách khi nhu cầu tăng cao đột biến vẫn xảy ra. “Vận tải là ngành đầu tiên chịu tác động trực tiếp của việc giảm giá xăng dầu, nhưng giá xăng dầu giảm mà cước vận tải giữ nguyên. Điều này cho thấy tác động của việc giảm giá xăng dầu chưa rõ nét” - ông Phạm Minh Thụy nói.

Đối với các doanh nghiệp, thông thường, khi chi phí đầu vào hạ, doanh nghiệp sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp chưa khai thác được lợi thế này. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo quý IV- 2015 được công bố cuối năm 2015 cũng cho thấy, còn rất nhiều doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất và giá bán sản phẩm sẽ tăng lên trong quý I-2016. 

Vẫn phải chờ doanh nghiệp

Từ đầu năm 2016, dưới tác động của giá xăng dầu thế giới, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã giảm liên tiếp 3 lần. Theo đó, xăng A92 giảm 1.700 đồng. Các loại dầu cũng giảm giá mạnh. Với mức giảm như trên, cước vận tải và chi phí cho nhiều hoạt động sản xuất khác cần dùng đến xăng dầu lẽ ra phải giảm. Nhưng theo phản ánh của người tiêu dùng, mớ rau, cân thịt hay gói xà phòng giặt… vẫn y nguyên. “Có lẽ chỉ người đi xe máy, ô tô mới thấy giá xăng giảm có tác động thế nào, vì mỗi lần đổ xăng bớt được một ít tiền. Nhưng phần tiết kiệm được này chưa đủ lớn để người dân giảm được gánh nặng chi phí. Trong khi đó, hầu hết hàng hóa, dịch vụ đã qua trung gian, mua bán, dù giá xăng dầu có giảm cũng không tác động gì” - bà Nguyễn Thị Cát nói. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy cho rằng, để giá các loại hàng hóa dịch vụ có liên quan đến yếu tố đầu vào (như xăng dầu) giảm thì cần tạo được ra thị trường thực sự. Chẳng hạn, trong lĩnh vực vận tải, điều kiện hoạt động cần được cởi mở, thủ tục công khai, thông thoáng, không có nhiều loại phụ phí để số doanh nghiệp tham gia nhiều hơn. Chi phí phải giảm một cách thực sự, thay vì giảm chỗ này để bù chéo chỗ khác. “Doanh nghiệp được tự do, bình đẳng cạnh tranh với nhau thì giá cả sẽ do thị trường điều tiết” - ông Phạm Minh Thụy phân tích.

Đối với doanh nghiệp, lãi suất, vốn vay, thủ tục hành chính cần được cải thiện. Đồng thời, phải giảm được tình trạng sách nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp. Khi sản phẩm có tính cạnh tranh, giá cả hợp lý, chất lượng được cải thiện, người dân có nhiều lựa chọn thì tình trạng tiết kiệm chi tiêu sẽ dần được nới ra, kéo theo đó, sản xuất kinh doanh mới phát triển.

Giá thực phẩm về mức trước Tết

Ngày 17-2, tại Hà Nội, giá hầu hết các loại thực phẩm tươi sống và rau xanh đã trở lại mức trước Tết. Cụ thể, thịt mông sấn 80.000-90.0000 đồng/kg; nạc thăn 90.000 đồng/kg; cá trắm loại 3kg giá 75.000 đồng/kg; cá rô phi to loại 1kg/con giá 50.000 đồng/kg. Tương tự, hầu hết các loại rau xanh cũng giảm giá đáng kể như: cải cúc chỉ còn 3.500 đồng/mớ; su hào 8.000 đồng/củ; cà chua còn 23.000 đồng/kg.

Tiểu thương cho biết, giá thực phẩm bị đẩy lên cao sau Tết là do một số người lợi dụng lúc người bán còn thưa vắng để “chặt chém”. Hiện hoạt động kinh doanh tại chợ đã trở lại bình thường nên giá cả về mức cũ.