Xác minh tài sản, thu nhập của cá nhân khi nào, ai có quyền yêu cầu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua, cơ quan công an đã yêu cầu xác minh tài sản của một số cá nhân và pháp nhân. Vậy theo quy định, khi nào sẽ tiến hành xác minh tài sản, thu nhập, thẩm quyền yêu cầu?

Mới đây, cơ quan ANĐT - Bộ Công an đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp rà soát, cung cấp thông tin về tài sản (gồm động sản, bất động sản, cổ phần, cổ phiếu… bao gồm cả tài sản thuộc sở hữu hoặc tài sản của bên thứ ba được thế chấp để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ) và quyền tài sản khác phát sinh trên địa bàn tỉnh có liên quan đến 7 cá nhân và 4 pháp nhân.

Trong đó có ông Lã Quang Bình (SN 1979) - Chủ tịch HĐQT của 4 công ty (4 pháp nhân), gồm: Công ty CP Giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông; Công ty CP Đầu tư Thương mại – Dịch vụ Điện lực, Công ty CP Tập đoàn LALUNA và Công ty CP khách sạn Bến Du Thuyền…

Về các trường hợp tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, xác minh tài sản, thu nhập là việc kiểm tra, làm rõ nội dung kê khai và xem xét, đánh giá, kết luận của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo trình tự, thủ tục quy định về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai và tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.

Khoản 1 Điều 41 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức khi có một trong các căn cứ sau:

Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;

Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo; Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên; Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền.

Về thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh, Điều 42 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 nêu rõ, khi có một trong các căn cứ theo quy định hoặc khi xét thấy cần có thêm thông tin để phục vụ cho công tác cán bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây có quyền yêu cầu hoặc kiến nghị Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập:

Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bầu hoặc đề nghị phê chuẩn chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp;

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ đối với người có nghĩa vụ kê khai yêu cầu hoặc kiến nghị xác minh đối với người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng trực tiếp của mình, trừ một số trường hợp luật định;

Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện KSND, TAND và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác có quyền yêu cầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập nếu trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án xét thấy cần làm rõ về tài sản, thu nhập có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật…