Xác định 2 kẻ cầm đầu tổ chức khủng bố nguy hiểm vừa bị cảnh sát Đức triệt phá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Cảnh sát Đức ngày 7-12 đã bắt giữ 25 người bị tình nghi là thành viên hoặc người ủng hộ một tổ chức khủng bố nhằm lật đổ Nhà nước Đức. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Marco Đức Buschmann cho biết, mạng lưới này là một phần của phong trào có tên Reichsbuerger.
Một trong những nghi phạm hàng đầu bị bắt tại nhà ở thành phố Frankfurt (Đức) ngày 7-12

Một trong những nghi phạm hàng đầu bị bắt tại nhà ở thành phố Frankfurt (Đức) ngày 7-12

Khoảng 3.000 nhân viên an ninh ngày 7-12 đã đồng loạt đột kích tại 130 địa điểm trên khắp 11 bang của Đức để bắt giữ nghi phạm ủng hộ cái gọi là phong trào Công dân Reich (Reichsbuerger). Theo đó, 25 đối tượng bị tình nghi liên quan đến tổ chức khủng bố đã bị bắt ở các bang Baden-

Wuerttemberg, Bavaria, Berlin, Hesse, Lower Saxony, Sachsen và Thuringia, cũng như ở các nước láng giềng Áo và Italia. Thông tin về cuộc đột kích đã được cơ quan công tố liên bang Đức và Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann công bố vào cùng ngày. “Kể từ sáng nay, một chiến dịch chống khủng bố lớn đang diễn ra. Tổng Công tố Liên bang đang điều tra một mạng lưới khủng bố bị nghi ngờ xuất phát từ phong trào Reichsbuerger”, ông Buschmann cho biết.

Theo các quan chức Đức, mạng lưới này đã lên kế hoạch cụ thể nhằm lật đổ nhà nước hiện tại và thành lập một Chính phủ mới. Các nghi phạm đã chuẩn bị thực hiện mục tiêu của mình từ cuối tháng 11-2021 và chủ trương điều đó chỉ có thể đạt được bằng vũ lực. “Tổ chức này đặt mục tiêu lật đổ Nhà nước hiện có ở Đức và thay thế nó bằng hình thức Nhà nước của riêng mình, như phác thảo đã vạch ra”. Trong số 25 nam giới và phụ nữ bị bắt, 24 nghi phạm đến từ Đức và một đến từ Nga.

Mạng lưới này có hai kẻ cầm đầu là Heinrich XIII P. R. và Ruediger v. P. Theo luật pháp Đức, danh tính của nghi phạm chưa thể tiết lộ do đang trong quá trình điều tra. Tạp chí tin tức Der Spiegel đưa tin rằng, Heinrich XIII, 71 tuổi, là thành viên của một gia đình quý tộc nhỏ của Đức, trong khi Ruediger là một cựu lính dù 69 tuổi. Theo các công tố viên, ông Heinrich XIII P. R. được nhóm dự định bổ nhiệm làm lãnh đạo mới của Đức. Một phụ nữ Nga, Vitalia B, được cho là nhận lời giúp ông ta liên lạc với các quan chức Nga sau khi Chính phủ Berlin bị lật đổ. Đại sứ quán Nga tại Berlin phủ nhận có liên hệ với các nhóm khủng bố cực hữu.

Tạp chí hàng tuần Der Spiegel đưa tin rằng một trong những địa điểm bị đột kích bao gồm doanh trại của đơn vị lực lượng đặc nhiệm KSK của Đức ở thị trấn Calw phía Tây Nam. Trong quá khứ, KSK đã bị điều tra về cáo buộc có liên quan đến cực hữu bởi một số binh sĩ của họ. Trong số nghi phạm còn có một số quân nhân dự bị, người phát ngôn của Cơ quan Phản gián Quân sự Đức (MAD) nói với Hãng tin DPA. Theo Văn phòng Tổng Công tố Liên bang Đức,

Reichsbürger cũng đã tuyển chọn các thành viên cho những vị trí bộ trưởng quan trọng trong chế độ mới, ngay khi giành được quyền lực. Do số lượng lớn thành viên là những cựu binh sĩ xuất thân từ các lực lượng vũ trang Đức, trong đó có các lực lượng đặc nhiệm, nên Reichsbürger bị coi là tổ chức đặc biệt nguy hiểm.

Phong trào Reichsbuerger được hình thành từ một số tổ chức và cá nhân nhỏ, chủ yếu ở các bang Brandenburg, Mecklenburg-Western Pomerania và Bavaria. Họ không chấp nhận tính hợp pháp của Cộng hòa Liên bang Đức hoặc bất kỳ cơ quan Chính phủ nào của nước này. Phong trào lập luận rằng Hiến pháp Đức trước Chiến tranh thế giới thứ hai chưa bao giờ bị vô hiệu hóa và việc thành lập Tây Đức cũ vào năm 1949, tức nước Đức thống nhất hiện nay, không bao giờ có giá trị.

Đã có sự gia tăng đáng lo ngại của hệ tư tưởng cực hữu ở Đức trong vài năm qua. Vào tháng 5-2022, Bộ Nội vụ Liên bang đã thông báo rằng 327 nhân viên của các cơ quan an ninh liên bang và tiểu bang của Đức đã bị phát hiện có liên hệ với hệ tư tưởng cánh hữu cứng rắn trong khoảng thời gian 3 năm. Sự kiện nổi bật nhất có liên quan là ít nhất 9 người đã thiệt mạng vào tháng 2-2020 khi kẻ xả súng bị nghi ngờ có liên hệ cực hữu ở Hanau.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết, vụ việc mới nhất cho thấy mối đe dọa do phong trào Reichsbuerger gây ra. “Các cuộc điều tra cung cấp một cái nhìn thoáng qua về mối đe dọa khủng bố từ phong trào Reichsbuerger. Chúng tôi biết cách tự vệ bằng tất cả sức mạnh của mình để chống lại kẻ thù của nền dân chủ”, Bộ trưởng Faeser nói.