"Đời cười 9":
Vui nhất là "Sợ chết"
(ANTĐ) - Khán giả cười ngả nghiêng. Nhưng khi ra về lại rơi vào trạng thái trầm lắng. Nhiều người bảo sự trầm lắng đó là bởi "hiệu ứng" của tiểu phẩm cuối cùng: "Sợ mất chức". Trong 4 cái "Sợ" mà "Đời cười 9" nhắc đến, "Sợ chết" chiếm cảm tình của khán giả hơn cả.
|
Quả thực thương hiệu "Đời cười" của Nhà hát Tuổi trẻ có sức hút khán giả mạnh mẽ đến mức hàng chục người chấp nhận đứng xem suốt gần 2 tiếng trong buổi công diễn đầu tiên. Cả 3 tầng khán phòng Nhà hát Tuổi trẻ đều không còn chỗ trống.
Mở màn là "Sợ chết". 9 ông cụ bà cụ, mỗi người một vẻ nhưng lụ khụ như nhau, chống gậy như nhau, "ngại chết" như nhau... Tiết tấu vừa phải, những câu thoại hóm hỉnh, tình huống hài hước, cộng thêm lối diễn xuất rất duyên của các nghệ sĩ đoàn II Nhà hát Tuổi trẻ đã nhào nặn thành công câu chuyện về ông Hoàng Dương hơn 80 tuổi mà vẫn còn ham sống quá mức.
|
"Tập thể sợ ma" gồm cả hai bố con chủ nhà lẫn ông thầy cúng |
Tiếp theo là "Sợ ma". Màn diễn này đôi lúc khiến khán giả cảm thấy lạnh gáy, nhưng rồi cũng phải bật cười. Câu chuyện về một gia đình... đều sợ ma. Một bà cụ lưng còng, ngày đêm ôn lại kỷ niệm đau buồn trong cuộc đời mình với những cái chết của chồng và con trai út. Một ông con cả chịu ảnh hưởng từ những hồi ức của mẹ nên... đâm ra sợ ma. Một ông cháu đích tôn, cứ hễ nhắc đến chuyện người đã chết là rúm cả người lại, lên cơn co giật. Và một ông con thứ, rất "phớt đời", chả hề sợ ma, thậm chí còn rất yêu thương một cái xác trong bể ngâm chuyên để phục vụ công tác nghiên cứu y học. Ấy thế mà rồi ông này cũng run bắn cả người, lập cập vái như tế sao... chỉ vì sợ ma trong một buổi tối bị mất điện. Lại thêm "ông thầy cúng 8 vía" đến "ứng cứu" cho gia đình này khỏi nỗi ám ảnh vì bị ma bao vây, quấy nhiễu cũng "chạy mất dép"... vì sợ ma.
|
Quang Ánh và NSƯT Ngọc Huyền trong "Sợ vợ" |
Màn "Sợ vợ" được "remix" lại từ chương trình "Những bệnh nan y" năm trước. Dẫu sao, khi nhắc đến những nỗi sợ ám ảnh con người trong cuộc đời thì cũng... cần phải nhắc đến "Sợ vợ" như một nỗi sợ điển hình. Vẫn chuyện ông già thích làm nũng vợ, hay ghen, khiến con đường công danh sự nghiệp "làm công tác hòa giải" của bà vợ bị ảnh hưởng. Nhưng khán giả vẫn xem, vẫn cười, vẫn đón nhận như một điều mới mẻ. Bởi tiểu phẩm này thuyết phục từ nội dung đến cách diễn và sự tiết chế các tình huống, lời thoại.
|
'Sợ mất chức" với các NS Sĩ Tiến, Thùy Dung, Quang Ánh |
Tiểu phẩm cuối của chùm "Đời cười 9" là "Sợ mất chức". Câu chuyện được xây dựng theo truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Công Hoan về tấn bi hài kịch của một viên chức vì sợ mất chức mà đã ép buộc vợ phải hiến mình cho ông chủ Tây... Điều cuối cùng ông nhận là chẳng có gì, mất vợ mất cả chức. Sự ra đi của người vợ, vẻ rúm ró của ông chồng tham lam, đê tiện, và sự phiền muộn của 3 gia nhân trong nhà viên chức... khiến cho cái kết của "Đời cười 9" hơi nặng. Sự xuất hiện của nhân vật Vú em (Nguyệt Hằng đóng), quan Tây đen (Quang Ánh đóng) dù mang lại cảm giác thú vị đối với người xem nhưng lại không đủ sức để đỡ "sức nặng" của nội dung tiểu phẩm. Chất hài trong "Sợ mất chức" giảm hẳn so với 3 tiểu phẩm trước, khiến khán giả cảm giác hơi hẫng.
|
Có lẽ, vẫn như những lần trước, đạo diễn, NSND Lê Hùng muốn khán giả trở về sau những tiếng cười sảng khoái nhưng không thể không lắng lại bởi những nét thâm thúy, sâu cay - đặc trưng của chất hài miền Bắc.
|
"Sợ chết" |
Phú Duy